Khi nào xử tội kinh doanh trái phép?

Ngày 26-7 vừa qua, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Thanh Trình một năm tù treo, Trần Tuấn Anh (cấp dưới của Trình) chín tháng tù treo về tội kinh doanh trái phép. Ngoài ra, tòa còn phạt Trình hơn 1 tỉ đồng về tội trốn thuế.

Chưa có giấy phép đã sản xuất, kinh doanh rượu

Theo cáo trạng, từ tháng 8-2008, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Ánh Dương do Trình làm giám đốc bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh các loại rượu dù chưa làm thủ tục và chưa được cấp giấy phép sản xuất rượu. Ngày 24-3-2011, công ty lập hồ sơ xin cấp giấy phép theo hướng dẫn nhưng không được Sở Công Thương giải quyết vì còn thiếu hai thủ tục về phòng cháy chữa cháy và đánh giá chất lượng bảo vệ môi trường.

Sau đó, Công ty Ánh Dương cũng không bổ túc hồ sơ đầy đủ và vẫn tiếp tục sản xuất kinh doanh rượu nên đã hai lần bị xử phạt hành chính vì sản xuất hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, sản xuất rượu công nghiệp khi không có giấy phép sản xuất, bán rượu các loại có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng đã công bố.

Tháng 9-2013, Công an TP Cần Thơ đã kiểm tra trụ sở cùng kho chứa hàng của Công ty Ánh Dương phát hiện, thu giữ 32.162 chai rượu các loại. Đến thời điểm này, công ty vẫn chưa có giấy phép sản xuất rượu. Qua thống kê số lượng rượu bán ra từ tháng 3-2011 đến ngày 16-9-2011 của công ty có tổng doanh số gần 1,23 tỉ đồng. Ngoài ra, theo kết luận giám định, Công ty Ánh Dương còn có hành vi trốn thuế hơn 514 triệu đồng...

Hai bị cáo Trình và Anh tại phiên tòa. Ảnh: HN

Vẫn xử theo BLHS hiện hành

Sau phiên tòa trên, nhiều bạn đọc thắc mắc: BLHS 2015 đã xóa bỏ tội kinh doanh trái phép. Theo Nghị quyết số 144-2016 của Quốc hội, dù BLHS 2015 bị dừng hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 có hiệu lực thi hành nhưng những quy định có lợi cho người phạm tội trong BLHS 2015 vẫn được áp dụng. Như vậy, đối chiếu các quy định liên quan vào vụ án này thì TAND quận Ninh Kiều có được xét xử hai bị cáo Trình, Anh về tội kinh doanh trái phép hay không?

Theo luật sư Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao), luật gia Đồng Mạnh Hùng (Hội Luật gia TP.HCM) và luật gia Nguyễn Thanh Lương (Hội Luật gia TP.HCM), việc TAND quận Ninh Kiều xét xử hai bị cáo Trình, Anh về tội kinh doanh trái phép là đúng quy định, bởi các lẽ sau:

Thứ nhất, theo điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109-2015 của Quốc hội (về việc thi hành BLHS 2015), các điều khoản của BLHS 2015 về xóa bỏ một tội phạm, xóa bỏ một hình phạt… và các quy định khác có lợi cho người phạm tội được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử.

Thứ hai, theo điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144-2016 (về việc lùi thời hiệu của BLHS 2015 và ba đạo luật khác), kể từ ngày 1-7-2016, thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109-2015.

Tuy nhiên, điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109-2015 lại quy định rất rõ: Đối với hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159 BLHS 1999 xảy ra trước 0 giờ ngày 1-7-2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS 1999 để xử lý.

“Nghị quyết số 144-2016 không bãi bỏ hoàn toàn Nghị quyết số 109-2015. Do đó, khi xử lý hành vi kinh doanh trái phép trong trường hợp trên theo BLHS 1999 thì không thể dựa vào BLHS 2015 để làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. Chính nội dung của hai nghị quyết số 144-2016 và 109-2015 đã phủ định việc miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi kinh doanh trái phép xảy ra trước 0 giờ ngày 1-7-2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử” - luật sư Đồng Mạnh Hùng lưu ý.

Luật gia Nguyễn Thanh Lương bổ sung: Theo điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109-2015, trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của tòa thì không được căn cứ vào việc BLHS 2015 không quy định tội danh kinh doanh trái phép để kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, quy định trong trường hợp này đã rất rõ và không thể có một cách hiểu, cách áp dụng nào khác.

Quy định liên quan

Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của BLHS 1999 xảy ra trước 0 giờ ngày 1-7-2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để xử lý; trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của tòa án thì không được căn cứ vào việc BLHS năm 2015 không quy định tội danh hoạt động phỉ, tội danh đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội danh kinh doanh trái phép, tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị. Trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về tội hoạt động phỉ, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội kinh doanh trái phép, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật hình sự có hiệu lực trước 0 giờ ngày 1-7-2016 để giải quyết; nếu sau thời điểm 0 giờ ngày 1-7-2016 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của BLHS năm 1999 mà áp dụng quy định của BLHS năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng.

(Theo điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109-2015
của Quốc hội)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới