Khi nghệ thuật trở thành nạn nhân…

PLO- Nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trở thành nạn nhân khi nhiều nhà hoạt động môi trường tìm cách làm hỏng chúng với mong muốn nâng cao nhận thức của mọi người. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hai nhà hoạt động thuộc tổ chức hoạt động môi trường Just Stop Oil gần đây đã bị kết án tù lần lượt là 27 tháng và 20 tháng vì ném súp vào một trong những bức tranh Hoa hướng dương của danh họa Vincent van Gogh. Vụ việc xảy ra vào tháng 10-2022 tại Phòng trưng bày Quốc gia London (Anh).

Một số nhà quan sát cho rằng những bản án này là quá nặng trong khi hai nhà hoạt động trên tham gia một cuộc biểu tình bất bạo động. Trong khi đó, một số người khác lại cảm thấy những bản án như vậy là phù hợp và là một biện pháp răn đe tương xứng.

Trong nghiên cứu gần đây, ông Alexander Araya López – nhà nghiên cứu tại ĐH Postdam (Đức) – và ông Colin Davis – nhà nghiên cứu tại ĐH Bristol (Anh) đã xem xét 42 cuộc biểu tình vì khí hậu tại các bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật ở châu Âu, Mỹ, Canada và Úc từ năm 2022 đến năm 2024. Thông qua nghiên cứu này, hai nhà khoa học muốn hiểu tại sao các nhà hoạt động vì khí hậu nhắm vào các tác phẩm nghệ thuật, dù bị lên án.

Vì sao những tác phẩm nghệ thuật rơi vào tầm ngắm của nhiều nhà hoạt động môi trường?
Hai nhà hoạt động môi trường dùng súp ném lên một trong những bức tranh Hoa hướng dương của danh họa Vincent van Gogh. Ảnh: JUST STOP OIL

Kết quả nghiên cứu cho thấy những cuộc biểu tình như trên thường bị chỉ trích vì chúng được cho là hành động phi lý. Điển hình, trong lúc đọc bản án trong vụ án bức họa Hoa hướng dương vừa qua, Thẩm phán Christopher Hehir mô tả hành động ném súp vào tác phẩm nghệ thuật là "tội ác ngu ngốc".

Tuy nhiên, những người biểu tình lại có lý lẽ của riêng họ. Trong video ghi lại hành động ném súp vào tháng 10-2022, một trong những người biểu tình đã đặt câu hỏi: "Cái gì đáng giá hơn, nghệ thuật hay cuộc sống? [Nghệ thuật] có đáng giá hơn thực phẩm, hơn công lý không?".

Vì sao các nhà hoạt động môi trường nhắm vào các tác phẩm nghệ thuật?

Trong nghiên cứu, ông López và ông Davis đã cho thực hiện một cuộc thăm dò với 2.048 người. Những người được hỏi sẽ đánh giá về mức độ phổ biến của các hình thức biểu tình trong thời gian gần đây.

Kết quả cho thấy ném thức ăn vào tranh được coi là hành động ít chính đáng nhất trong số các hành động biểu tình. Việc ném thức ăn thậm chí được xem là ít chính đáng hơn cả hành động phá hoại đường ống dẫn nước, làm hỏng máy bay tư nhân hoặc đập vỡ cửa sổ tại các công ty tài trợ cho hoạt động thăm dò dầu mỏ.

Tuy nhiên, vì hành động này khá “lạ” nên chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của dư luận. Một số nhà quan sát cho rằng hành động không được ủng hộ như vậy sẽ khiến mọi người phản đối các cuộc biểu tình tương tự. Tuy nhiên, đến nay, số lượng người ủng hộ việc biểu tình vì môi trường vẫn cao.

Theo The Conversation, việc phá hoại các biểu tượng văn hóa có thể dẫn đến những hành động phản đối mạnh mẽ. Lấy ví dụ, đối với các đài tưởng niệm, nếu có bất kỳ mối đe dọa nào làm ô uế các đài tưởng niệm này, những người sống trong nền văn hóa đó sẽ phản ứng mạnh.

file-20241002-16-dml68b.jpg
Các nhà hoạt động môi trường ném súp vào một bức họa khác của danh họa Van Gogh, được trưng bày tại Ý vào tháng 11-2022. Ảnh: EPA

Những kiệt tác như Hoa hướng dương mang lại cảm giác bất tử và trường tồn tương tự ví dụ trên. Theo một cách nào đó, nhìn vào bức tranh, nhiều người cảm thấy danh họa Van Gogh vẫn còn sống và việc bảo tồn tác phẩm của ông có nghĩa là văn hóa do danh họa này tạo nên sẽ được bảo vệ.

Đó là lý do tại sao việc các tác phẩm nghệ thuật bị phá hoại lại khiến nhiều người phẫn nộ. Ở chiều ngược lại, các nhà hoạt động môi trường có thể sử dụng việc các tác phẩm nghệ thuật bị phá hoại để thu hút sự chú ý, gợi nên sự tương đồng giữa việc bảo tồn văn hóa và bảo tồn môi trường.

Các biện pháp răn đe sẽ có hiệu quả?

Một cuộc thăm dò của công ty phân tích YouGov được tiến hành vào tháng 7-2023 cho thấy chưa đến 30% người dân Anh cho rằng án tù là hình phạt thích đáng cho những người biểu tình phi bạo lực. Ngoài ra, chỉ có 6% người được hỏi ủng hộ bản án "hơn 1 năm tù" cho những người biểu tình phi bạo lực, trong khi có 15% người được hỏi cho rằng những người này không xứng đáng bị phạt.

"Phải áp dụng các bản án vừa trừng phạt thỏa đáng những gì các bị cáo đã làm, đồng thời răn đe những người có ý định thực hiện hành vi tương tự" – thẩm phán Hehir tuyên bố trong phiên tòa vừa qua.

Trên thực tế, sau ngày phiên tòa trên diễn ra, các hành vi phá hoại tác phẩm nghệ thuật vẫn tiếp diễn.

file-20241002-15-of8lvy.jpg
Một nhà hoạt động khí hậu biểu tình tại thủ đô Washington, D.C. (Mỹ) vào mùa hè năm 2023. Ảnh: ZUMA

Ngay sau khi phiên tòa trên kết thúc, 3 nhà hoạt động môi trường khác của tổ chức Just Stop Oil đã đến thăm Phòng Trưng bày Quốc gia London và ném súp vào lớp kính bảo vệ của 2 bức tranh khác của danh họa Van Gogh. Những người này đã bị cáo buộc phạm tội hình sự.

Các cuộc biểu tình khác cũng đã diễn ra ở Na Uy, Thụy Điển, Canada và Đức. Các bản án trên dường như không có tác dụng răn đe mà còn gây nên nhiều cuộc biểu tình hơn.

Theo The Conversation, sự răn đe sẽ khó có hiệu quả đối với những người hành động theo mệnh lệnh đạo đức của riêng họ, như những nhà hoạt động môi trường nói trên. Và vì vậy, nó cũng có thể sẽ không ngăn được các nhà hoạt động này tiếp tục phản đối các hành vi gây hại môi trường, vốn đang khiến cả nghệ thuật và cuộc sống bị hủy hoại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm