Ngày 11-9, TAND tối cao tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự chia thành 10 tổ để đánh giá những điểm mạnh cũng như hạn chế của công tác thực hiện nâng cao chất lượng xét xử.
Ông Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: TUYẾN PHAN
Đề cập vấn đề tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, ông Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh cho rằng phải rà soát lại các nghị quyết hội đồng thẩm phán hoặc thông tư liên tịch, văn bản nào cần sửa đổi thì phải sửa đổi để cho phù hợp.
Ông Tuyên lấy ví dụ về Thông tư 02/2011 của TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Công an hướng dẫn chuyển hóa từ tội cướp giật sang tội cướp tài sản như hiện nay là “không phù hợp”, “không thể làm được”.
Theo đó, muốn chuyển hóa từ cướp giật sang cướp thì yêu cầu người bị hại phải có hành vi đuổi theo, giằng lại tài sản và bị tấn công. Tuy nhiên, với những tài sản có thể giằng được thì không nói; nhưng với những tài sản như đện thoại di động, dây chuyền… thì rất khó.
Trong trường hợp này, người phạm tội chiếm đoạt được tài sản rồi đút vào túi, bị hại tiếc của nên đuổi theo, nhưng đến nơi thì đối tượng rút dao đe dọa “xông vào sẽ đâm chết”,… “Liệu người bị hại có dám xông vào giằng lại để đảm bảo điều kiện chuyển hóa hay không?” – ông Tuyên đặt câu hỏi.
Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh lấy thêm ví dụ vụ việc ở Khánh Hòa, hai đối tượng cầm kiếm và dao đe dọa nạn nhân. Do lo sợ cho tính mạng, nạn nhân không dám xông vào mà chỉ xin lại giấy tờ, sau đó “cung kính” đưa túi cho chúng. Kết quả, vì không giằng lại tài sản nên không thỏa mãn chuyển hóa tội thành cướp, chỉ xử tội cướp giật. Điều này đã không đảm bảo được yếu tố xử lý nghiêm.
“Hướng dẫn như vậy là ngược, không thể chuyển hóa được. Phải có hướng dẫn rõ hơn” – ông Tuyên nói.
Bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND TP Hải Phòng. Ảnh: TUYẾN PHAN
Bên cạnh đó, ông Tuyên cho rằng việc đảm bảo công bằng cho các chủ thể tranh tụng là rất quan trọng. Nếu các chủ thể mà không có sự công bằng thì chất lượng phiên tòa không thể đảm bảo được, chủ tọa dù có giỏi mấy đi chăng nữa vẫn có thể va vấp.
Theo Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, phải có hướng dẫn để làm sao bảo đảm sự bình đẳng giữa bên buộc tội (VKS) và bên gỡ tội (luật sư) trong thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ cũng như phát biểu quan điểm tại tòa.
“Từ 2018 sẽ áp dụng mô hình phòng xử mới, VKS ngồi ngang hàng với luật sư, điều này tạo ra sự công bằng trong quá trình tranh tụng tại tòa” – ông Tuyên nhận định.
Vị này cũng đề nghị cần sớm ban hành nghị quyết để thống nhất mẫu bản án, bởi hiện nay đang “mạnh ai người đó làm”, có người viết như “tả cảnh”, có người lại “gạch đầu dòng”,…
Trong khi đó, đề cập đến việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết vụ án, bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND TP Hải Phòng cũng đưa ra nhiều vấn đề.
Theo bà Mai, Thông tư liên tịch 01/2010 của TAND tối cao, VKSND tối cao và Bộ Công an quy định việc phối hợp để trả hồ sơ điều tra bổ sung đang “làm khó” các thẩm phán.
Tại Hải Phòng hiện nay, VKS và CQĐT đang nhận thức điều 10 của thông tư này theo hướng khi trả hồ sơ điều tra bổ sung thì thẩm phán phải trao đổi với kiểm sát viên, nếu kiểm sát viên đồng ý nhận lại hồ sơ thì mới được trả hồ sơ, còn nếu không đồng ý thì phải họp liên ngành, liên ngành thống nhất thì thẩm phán mới được trả hồ sơ.
“Tôi thấy rất bức xúc, phối hợp kiểu gì lại hạn chế quyền thẩm phán. Bởi nếu trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, nhất là những chứng cứ quan trọng thì thẩm phán phải thực hiện quyền của mình trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, đó là trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung” – bà Mai nói.
Từ đó, bà đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại điều này.