Năm 2018, khi thuế nhập khẩu còn 0%, việc đưa xe từ các quốc gia trên về bán tại Việt Nam sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với kinh doanh xe được lắp ráp trong nước. Xu hướng này cũng đã được chính các hãng ô tô Nhật Bản có nhà máy tại Việt Nam đang có ý định ngưng sản xuất ô tô, chỉ nhập khẩu hoàn toàn để hưởng lợi từ lộ trình giảm thuế từ ASEAN.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhìn nhận các hãng xe trong nước sẽ có khuynh hướng tăng nhập khẩu vì Việt Nam trong những năm qua tỉ lệ nội địa hóa, công nghiệp ô tô vẫn chưa tạo được sự cạnh tranh rõ rệt so với các nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Thái Lan, Indonesia đã có các tổ hợp sản xuất gắn bó với các hãng ô tô Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ lâu năm.
“Chính sách cho ngành ô tô Việt Nam đã đi không đúng hướng trong nhiều năm qua. Các hãng ô tô như Toyota, Honda nói sẽ tiếp tục sản xuất một số dòng xe có tỉ lệ nội địa hóa cao ở Việt Nam vừa nhập khẩu. Tuy nhiên, việc ra đi của các hãng ô tô khỏi Việt Nam để sang tập trung nhà máy ở Thái Lan, Indonesia chỉ còn là vấn đề thời gian, Việt Nam không thể giữ chân được họ lâu hơn” - TS Thành nói.
Chính sách cho ngành ô tô nhiều năm qua đã đi chệch hướng. Ảnh: QH
PGS-TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, cho rằng với tỉ lệ nội khối ASEAN 40%, bao gồm tỉ lệ nội địa hóa về sản xuất lẫn các khâu dịch vụ nên nhiều dòng xe sản xuất tại Thái Lan, Indonesia sẽ đáp ứng yêu cầu này. Chi phí rẻ hơn nên các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhập khẩu. Các doanh nghiệp ô tô sẽ không tin vào “lời hứa” hỗ trợ muộn màng từ cơ quan quản lý. Trước đây nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã rút nhà máy khỏi Việt Nam chuyển về Thái Lan như Sony… Họ chỉ giữ hoạt động thương mại đơn thuần ở Việt Nam khi thấy nhập khẩu hưởng lợi, ngành công nghiệp hỗ trợ ở Thái Lan đáp ứng.
Ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM, cho rằng chính sách hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước giờ coi như đã quá muộn, tuy nhiên có còn hơn không. Nhà nước cần giảm thuế, nới lỏng thuế linh kiện để tạo điều kiện cho xe lắp ráp. Các cơ quan quản lý làm rõ nội dung và yêu cầu khuyến khích sản xuất được đề cập đến trong quyết định của Chính phủ về phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, vì hỗ trợ mang tính chung chung và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị các đề xuất dự án có thể được hưởng ưu đãi từ chính sách mới.
Đồng thời, cần ban hành các chính sách hấp dẫn có liên quan đến đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô.
Bà NGUYỄN THỊ HIỀN, phụ trách hệ thống phân phối ô tô qua sử dụng của Toyota Việt Nam: Cuộc chơi vẫn dành cho những ông lớn Việt Nam cũng giống Singapore hay các quốc gia khác trong khu vực, chỉ cho phép nhập khẩu ô tô chính hãng. Điều này không chỉ quản lý được về mặt ngoại hối khi quy về một mối để dễ kiểm soát. Ngoài ra, khi nhập khẩu ô tô chính hãng thì giá ô tô vẫn nằm trong sự kiểm soát của các hãng ô tô. Các hãng xe vẫn “độc quyền” xe nhập khẩu chính hãng, cuộc chơi cũng chỉ dành cho những ông lớn, không có cửa cho các doanh nghiệp tư nhân nên không thể có giá rẻ. Thuế nhập khẩu giảm, giá xe rẻ chút ít nhưng những khoản phí, thuế khác lại bù vào. Không có chuyện để xe giá rẻ ào ào vào Việt Nam vì các TP đã rất ngột ngạt, kẹt xe, ô nhiễm khói bụi. Hiện nay nhiều tuyến đường đến 19-20 giờ vẫn còn kẹt xe, nếu để nhập xe ồ ạt thì giao thông tắc nghẽn, thiệt hại nền kinh tế càng lớn hơn. Luật sư TRẦN XOA, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang: “Độc quyền” như thị trường xe máy, người tiêu dùng chịu thiệt “Độc quyền” nhập khẩu chính hãng khiến người tiêu dùng không được hưởng lợi mua xe giá rẻ hơn khi thuế giảm. Cần chính sách minh bạch về giá nhà sản xuất, giá nhập khẩu, các loại thuế, phí chứ không có chuyện xảy ra “độc quyền” như thị trường xe máy nhiều năm nay, người tiêu dùng chịu thiệt. Giá đề xuất có cũng như không trong khi người tiêu dùng phải ra đại lý mua với mức giá cao hơn giá công bố của hãng 3-7 triệu đồng (tính ra giá bán lẻ tăng hơn 10% so với giá xe mà hãng công bố). |