Nếu tưởng bệnh nhiêu khê vì cứ yên được ít bữa lại tái phát, nếu nghĩ số bệnh nhân đông đến thế vì thầy thuốc thiếu thuốc thì hố nặng! Ai chưa tin xin ghé qua dược phòng nào đó đếm thử xem có bao nhiêu loại thuốc trị đau bao tử!
Chuyện gì cũng có lý do
Cơ chế bệnh lý của viêm loét dạ dày rõ ràng không phức tạp đến độ hễ vướng bệnh là thua. Chất chua trong dạ dày không dễ chiếm thế thượng phong nếu bao tử đừng trống rỗng, nếu lượng dịch vị không nhiều hơn nhu cầu tiêu hóa và nhất là nếu niêm mạc dạ dày được bọc lót đúng điệu bóng đá phòng ngự, nghĩa là bọc cho kỹ, lót cho kín. Kẹt chính ở chỗ tưởng dễ mà khó. Dưới đây là các nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh trở thành nhiêu khê:
- Đa số bệnh nhân vì gặp thầy thuốc thuộc trường phái “im lặng là vàng” nên không được thông tin đúng mức về những yếu tố cản trở tiến trình hồi phục của niêm mạc dạ dày, từ chuyện thức khuya cho đến thói quen hút thêm điếu thuốc trước khi ngủ. Bệnh tất nhiên khó lành nếu người bệnh chỉ thụ động uống thuốc! Khỏi dông dài cũng biết tiền mất tật mang do nhiều chuyện nhỏ thay nhau xé ra to!
Vừa ăn uống thất thường, vừa uống bia rượu vô tội vạ sẽ khiến niêm mạc dạ dày trở thành miếng mồi ngon cho nước chua trong bao tử.
- Không ít bệnh nhân tuy biết rõ bao tử đang trong cảnh “cá nằm trên thớt” vẫn tiếp tục ăn uống thất thường, lại thêm bia rượu ra vào không kể khiến niêm mạc dạ dày là miếng mồi ngon cho nước chua trong bao tử! Không ít trường hợp bệnh thuyên giảm thấy rõ sau khi “thủ phạm” tập thói quen vừa cữ rượu bia vừa ăn nhiều bữa nhỏ rải đều, thay vì ăn đúng ba bữa đích đáng nhưng với khoảng cách quá xa!
- Bệnh mới thuyên giảm lại tái phát ngay vào sáng hôm sau vì chất chua bội tăng suốt đêm do gia chủ vì lý do nào đó nhất định đóng vai chính trong phim “nửa đêm chờ sáng”! Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp tục vì nhiều bệnh nhân không được cho thuốc kháng toan trước khi ngủ, lại thêm không tìm được biện pháp thư giãn để trấn an hệ thần kinh giao cảm!
- Trên thực tế phải nhiều tuần sau khi hết đau thì ổ loét trên niêm mạc dạ dày mới thực sự lành! Nhiều người bệnh vì thế ngưng thuốc quá sớm. Thái độ này tất nhiên hợp lý vì nếu không được giải thích tận tường, mấy ai sẵn sàng mua thuốc uống thêm cho hầu bao mau thủng? Mấy ai vui vì trở lại thầy thuốc nếu đã hết đau?!
Giải pháp không thể chỉ là viên thuốc!
Vết thương nào cũng thế, khó lành một cách tự nhiên. Khó hiểu chỉ ở điểm vết rách lớn ngoài da xem vậy vẫn dễ lành hơn điểm loét chút xíu trên niêm mạc dạ dày. Lý do vì gia chủ thường thiếu công bằng với bao tử! Muốn bít kín vết loét cơ thể phải đủ dưỡng chất để tái tạo niêm mạc. Chữa bệnh dạ dày mà thiếu chất kiến tạo thì vết loét dạ dày thường khi lâu lành hơn vết thương lòng! Một phác đồ điều trị viêm loét dạ dày thiếu hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng dồi dào chất đạm, đặc biệt là chất đạm gốc thực vật, như trong đậu nành, rong biển… trên thực tế là toa thuốc chắc chắn phải dùng nhiều lần vì người bệnh sớm muộn cũng trở lại tìm thầy. Bằng chứng là rất đông bệnh nhân tuy uống đủ thuốc, uống đúng thuốc, thậm chí uống nhiều tháng trời nhưng vết loét vẫn không lành.
Bệnh không lành vì quên người bệnh!
Nói một cách tóm lược, liệu pháp nào trong bệnh viêm loét dạ dày, nếu muốn có tác dụng toàn diện, phải tối thiểu hội đủ bốn yếu tố:
- Kháng viêm để giảm đau cấp kỳ nhằm trả lại chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân
- Bảo vệ niêm mạc dạ dày để gia tốc tiến trình hồi phục nhằm thu ngắn liệu trình sao cho bệnh nhân sớm trở lại với sinh hoạt thường ngày.
- Ức chế vi khuẩn Helicobacter để giảm thiểu xác suất tái phát, đồng thời ngăn ngừa hậu quả biến thể ác tính.
- Thư giãn thần kinh để ổn định quân bình của hệ thần kinh thực vật để dạ dày nhờ đó đừng tiết chất chua trật nhịp với bữa ăn, đừng co thắt không đúng lúc khiến chất chua trào ngược.
Được như thế vẫn chưa đủ để làm lành vết loét vì nguyên nhân gây viêm loét dạ dày nhiều khi nằm ngoài tầm tay của nhà điều trị. Thuốc nào có thể làm lành vết loét nếu người bệnh tự khoét rộng ổ viêm bằng nỗi lo buồn triền miên, bằng cuộc sống căng thẳng, bằng tham vọng sân si ngày và đêm?! Cho dù đúng thầy đúng thuốc, niêm mạc dạ dày vẫn khó hồi phục nếu thiếu nhân tố quyết định: Nhận thức của cả đôi bên, của người bệnh và thầy thuốc. Ngày nào người bệnh chưa nhận thức được mối nguy của căn bệnh, ngày nào thầy thuốc chỉ tập trung vào vết loét mà quên người bệnh như một tổng thể cá biệt, ngày đó nhà điều trị cho dù có sẵn trong tay cả lố thuốc đời mới hàng hiệu vẫn khó lòng trị dứt căn bệnh. Bớt bệnh khác xa lành bệnh! Chính vì thế mà y khoa khác xa y thuật.
Cuộc tình dang dở rồi cũng có ngày phôi pha. Vết loét dạ dày coi vậy mà khó lành hơn vì thường khi người “nuôi bệnh” chính là bệnh nhân!
BS LƯƠNG LỄ HOÀNG