Khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh bán rau quả sang Trung Quốc

(PLO)-  Khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có nghị định thư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 14-2, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thuỷ sản Việt Nam - Trung Quốc nhằm thích ứng với những yêu cầu mới của thị trường.

Thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn kể từ khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Từ ngày 8-1, cùng với việc thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch của Trung Quốc, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo phương thức truyền thống tại một số cửa khẩu đã dần được khôi phục.

Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thuỷ sản Việt Nam - Trung Quốc sáng 14-2.

Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thuỷ sản Việt Nam - Trung Quốc sáng 14-2.

Hiện Lạng Sơn duy trì thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng.

Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1-2023 đạt khoảng 1.000 xe/ngày; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong tháng 1-2023 tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, điển hình là các trái cây chủ lực như thanh long, xoài, mít, vải, dưa hấu, chuối và các loại nông sản khô như thạch đen, tinh bột sắn...

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả cho biết, từ nay đến năm 2025, Trung Quốc tiến tới tăng cường nhập khẩu rau quả từ khối ASEAN. Thông qua Hiệp định RCEP, doanh nghiệp các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nhiều điều kiện tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân.

Theo ông Nguyên, khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.

Một vấn đề nữa được ông Nguyên nêu tại hội nghị, là thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói còn lâu, ảnh hưởng đến kế hoạch của doanh nghiệp. Ông lấy ví dụ như thanh long cần khoảng 6-7 tháng để được phê duyệt, sầu riêng có tiềm năng và giá trị lớn nhưng mã số cấp còn ít, chiếm khoảng 5% tổng diện tích vùng trồng.

“Mã số vùng trồng sầu riêng của Việt Nam mới được cấp 83 mã vùng trồng, 30 mã cơ sở đóng gói, trong khi đó nước láng giềng Thái Lan đã được cấp hàng ngàn mã. Trong khi đó diện tích sầu riêng của ta không kém Thái Lan. Điều đó khiến việc xuất khẩu sầu riêng của ta có trở ngại” - ông Nguyên nói.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), nhận định năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn hơn so với 2022. Điều này xuất phát từ khủng hoảng năng lượng, lạm phát kinh tế toàn cầu, cũng như dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.

Để duy trì hoạt động giao thương sang Trung Quốc, ông Tiệp khuyến cáo doanh nghiệp tiếp tục thực hiện Lệnh 248, 249, trong đó có hoàn thiện đăng ký bổ sung trước ngày 30-6-2023. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trước khi Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến và kiểm tra thực địa.

“Bên cạnh việc minh bạch hóa thông tin thị trường, chúng ta cần có phương án đẩy mạnh quản lý về mã số vùng trồng, vùng nuôi, thúc đẩy xúc tiến thương mại”, ông Tiệp chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm