Khó khăn trong đấu thầu mua sắm y tế: Đã gỡ nhưng vẫn vướng

(PLO)- BV Chợ Rẫy kiến nghị cơ quan chức năng sớm ban hành hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đấu thầu, cơ chế chi trả khi người có thẻ BHYT phải tự mua thuốc, vật tư…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy.

20% hàng hóa không lựa chọn được nhà thầu

BS Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị Đấu thầu BV Chợ Rẫy, cho biết trong năm 2023, BV đã triển khai 200 gói thầu, đảm bảo cơ bản nhu cầu điều trị của người bệnh. Tuy nhiên, tỉ lệ đấu thầu mua sắm hàng hóa thành công chỉ khoảng 80% gói thầu, còn lại không lựa chọn được nhà thầu để đấu thầu.

Theo BS Tài, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như không có giấy lưu hành sản phẩm đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế nhóm C, nhóm D; nhà thầu chậm cung ứng hàng hóa, gián đoạn cung cấp, không có năng lực thực hiện hợp đồng. Một số trường hợp phải cho bệnh nhân mua bên ngoài để phục vụ điều trị.

Khó khăn trong đấu thầu mua sắm y tế
Bệnh viện Chợ Rẫy khó khăn trong đấu thầu mua sắm y tế. Trong ảnh: Người dân chờ khám chữa bệnh tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

BS Tài cho biết vật tư y tế tiêu hao là loại hàng hóa đặc thù sử dụng trực tiếp cho bệnh nhân tham gia BHYT nên yêu cầu kỹ thuật sử dụng đòi hỏi phải cụ thể, chi tiết tính năng kỹ thuật, chất liệu. Nhưng nếu mô tả cụ thể thì lại được xem là hạn chế nhà thầu.

“Do đó, với BV hạng đặc biệt, tuyến cuối nên được phép mô tả cụ thể, chi tiết tính năng kỹ thuật và cho phép được yêu cầu cung cấp hàng mẫu trong quá trình đánh giá hồ sơ đấu thầu. Việc này nhằm đánh giá, đối chiếu với tài liệu kỹ thuật của hàng hóa, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của BV trong điều trị cho bệnh nhân” - BS Tài đề xuất.

Năm 2023, BV Chợ Rẫy khám chữa bệnh, cấp cứu cho hơn 1,4 triệu lượt bệnh nhân. Trong đó, trung bình cấp cứu trong ngày là 304 lượt bệnh nhân, khám chữa bệnh trong ngày là hơn 5.000 lượt bệnh nhân. Trong đó, khám chữa bệnh BHYT chiếm 55,4%.

BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, cho biết xây dựng yêu cầu kỹ thuật trong đấu thầu là khâu quan trọng nhất của gói thầu, tuy vậy lại rất dễ bị gây khó dễ bởi thanh tra, điều tra cho rằng định hướng thầu, gây hạn chế nhà thầu, chỉ định đấu thầu sai quy định.

Cũng theo BS Việt, hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể cách xây dựng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu trong đấu thầu. Do đó, các BV rất e ngại khi đặt ra yêu cầu kỹ thuật của thiết bị mà chỉ 1-2 hãng đáp ứng được, vì rất dễ vào tầm ngắm của thanh tra, điều tra.

“Để an toàn, các BV công chỉ dám đặt ra cấu hình, chức năng, thông số cơ bản mang tính phổ biến, nhiều hãng đáp ứng được. Thực tiễn khiến BV công ngày càng thua xa các BV tư về mức độ hiện đại của trang thiết bị y tế, khoảng cách 5-10 năm” - BS Việt nói.

Giá phẫu thuật BV tư cao hơn BV công nhiều lần

TS Nguyễn Nhật Hải, Trưởng phòng Tài chính kế toán BV Chợ Rẫy, cho biết Bộ Y tế mới ban hành loạt bảng giá mới theo Thông tư 13, Nghị định 60. Thế nhưng giá cả tại BV công hiện nay lại thấp hơn nhiều lần so với BV tư nhân.

Cụ thể, tiền công khám ở BV Chợ Rẫy chỉ 42.000 đồng/lượt, trong khi đó BV tư nhân tại TP.HCM có giá 200.000 đồng/lượt. Chi phí phẫu thuật nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đằng sau tại BV Chợ Rẫy là hơn 3 triệu đồng, còn BV tư có giá 40 triệu đồng, cao gấp 11 lần.

Ông Hải cũng cho hay hiện nay giá thu dịch vụ khám chữa bệnh còn thiếu một số yếu tố chính như chi phí quản lý gián tiếp; chi phí khấu hao tài sản cố định; một số khoản thuế, bảo hiểm phát sinh theo quy định của pháp luật; chưa cập nhật kịp thời biến động giá của các nguyên vật liệu đầu vào.

Đề xuất giải pháp cho các BV công, ông Hải cho rằng nên tính đúng, tính đủ, cập nhật kịp thời biến động giá của nguyên vật liệu đầu vào và có tích lũy. Cạnh đó, không nên quy định cụ thể việc trích lập các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, bổ sung thu nhập, phúc lợi, khen thưởng nhưng để cơ sở khám chữa bệnh quyết định.

TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho rằng không nên thành lập Hội đồng quản lý BV vì chưa có hướng dẫn quy chế hoạt động. Ngoài ra, khi thành lập rất khó xác định mối quan hệ giữa Đảng ủy BV và Hội đồng quản lý BV. Ông Thức đề xuất BV công nên giữ nguyên vai trò lãnh đạo của Đảng, chỉ BV tư mới phù hợp thành lập Hội đồng quản lý BV.

“Hiện quy chế bổ nhiệm cán bộ hai năm cấp phó mới được lên cấp trưởng, một khoa chỉ tối đa hai cấp phó đã gây nhiều khó khăn cho BV. Do đó, không nên quá cứng nhắc mà còn tùy vào tình hình thực tế của từng BV” - ông Thức nói.

Khó khăn phần lớn xuất phát từ quy định pháp luật

Những khó khăn mà BV Chợ Rẫy đang gặp phải phần lớn xuất phát từ các quy định của pháp luật, gây tốn nhiều thời gian cho đấu thầu, làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của BV. Hiện nay còn thiếu văn bản hướng dẫn rải rác trong nhiều nội dung, hay có hướng dẫn nhưng không đầy đủ, hướng dẫn không phù hợp với thực tiễn… cũng là cái khó của các BV.

Từ nay đến cuối tháng 1-2024, BV Chợ Rẫy cần rà soát, bổ sung các kiến nghị cụ thể nhằm giúp Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nắm chủ trương, từ đó có kiến nghị trực tiếp tại nghị trường Quốc hội.

VĂN THỊ BẠCH TUYẾT, Phó Trưởng đoàn chuyên trách
Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm