Bệnh viện mong đấu thầu tập trung để bác sĩ lo chuyên môn

(PLO)- Các bệnh viện đang áp lực vì đấu thầu nhưng phải đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế cho bệnh nhân trong lúc nguồn cung khó khăn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-12, tại hội thảo góp ý bộ tài liệu “Quản trị tốt nhằm phòng, chống tham nhũng trong các BV và cơ sở y tế công lập ở Việt Nam” do Thanh tra Bộ Y tế, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức, vấn đề đấu thầu trong lĩnh vực y tế được nhiều đại biểu quan tâm.

Chia lẻ hàng ngàn gói thầu để được chỉ định

TS Tăng Thị Thiệm, Vụ Kế hoạch tổng hợp, Thanh tra Chính phủ, nhìn nhận có nhiều chiêu trò lách luật mang tính điển hình như chia nhỏ gói thầu, chỉ định thầu và các BV thích hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu.

TS Thiệm dẫn chứng: Có BV mua sắm 95 tỉ đồng nhưng chia thành hàng trăm, hàng ngàn gói thầu dưới 100 triệu đồng để lựa chọn, chào hàng, cạnh tranh và chỉ định thầu. Còn có cách gộp nhiều gói thầu để những “ông to” trúng thầu.

Có đơn vị còn đưa ra điều kiện lựa chọn nhà thầu là phải có bằng khen của Bộ Tài chính về chấp hành luật thuế để cài cắm người quen, chèn ép người lạ; lập “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu. Nêu vụ án liên quan đến Công ty AIC, TS Thiệm cho hay: Đơn vị này đã thành lập liên minh, tạo hệ sinh thái có nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp chuyên gia trượt thầu.

Về phía Bộ Y tế cũng có những văn bản chưa đúng thẩm quyền như thông báo giá của các sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á...

w-p5-chinh-lethoabaophuong-ttam-3752.jpg
TS Tăng Thị Thiệm, Vụ Kế hoạch tổng hợp, Thanh tra Chính phủ (trái) và PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, tại hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Nêu nhiều dạng thức sai phạm trong đấu thầu, TS Thiệm cho rằng thủ trưởng BV phải duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ tốt để tự kiểm soát, đây cũng là giải pháp tốt để phòng, chống tham nhũng.

“Pháp luật đã có quy trình, quy định về mua sắm tài sản nên cần làm đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ, đúng thực tế, chấp hành trình tự, thủ tục; việc chi cũng phải đúng mục đích và thu đúng đối tượng…” - TS Thiệm nói.

TS Thiệm cho rằng tham nhũng trong lĩnh vực y tế sẽ giảm đi khi tăng trách nhiệm giải trình, tính liêm chính, minh bạch.

Nhân viên y tế phải làm công tác đấu thầu

Cũng tại hội thảo, người đứng đầu các BV tại TP.HCM đã chia sẻ những khó khăn xung quanh việc đấu thầu vật tư y tế.

PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, nhìn nhận hiện nay có luật, nghị định, thông tư về đấu thầu nhưng các BV không đấu thầu được.

Theo PGS-TS Thanh, cần đánh giá thuốc, vật tư y tế đạt chuẩn theo một quy chuẩn cụ thể. Khi đã có quy chuẩn cụ thể thì sẽ định giá, đàm phán xây dựng giá chứ không phải đi đấu thầu.

“Chúng ta không có quy chuẩn nhưng chúng ta cứ dựa vào cái không có quy chuẩn, bắt người ta thực hiện và quy tội người ta theo cái không có quy chuẩn” - PGS-TS Thanh nói.

Nhắc lại thời điểm dịch COVID-19, PGS-TS Thanh nhìn nhận cần đánh giá sự việc công khai, minh bạch nhưng cũng cần căn cứ vào thời điểm lịch sử. “Thời điểm đó chúng tôi phải giải quyết vấn đề như thế, nếu không bệnh nhân sẽ chết” - PGS-TS Thanh nói và cho biết BV phải tìm mọi cách để có thiết bị, hóa chất nhưng sau đó bị so sánh giá.

PGS-TS Thanh cho rằng nếu đưa thuốc, vật tư y tế trả về giá trị thật thì sẽ không có tham nhũng. “Tại sao không đánh giá đúng giá trị kỹ thuật y tế, tính đúng, tính đủ, trả đúng, trả đủ thì người ta đâu cần hoa hồng, “xin-cho” nữa? Có ai thấy BV ngoài công lập phải đi đút lót, hối lộ chưa mà họ phải chăm sóc bệnh nhân hơn cả người thân. Trong khi đó, BV công lập cứ để giá dưới giá thành, dùng cơ chế “xin-cho”...” - PGS-TS Thanh nói và mong muốn “đưa tất cả về giá trị thực để không ai phải hối lộ ai”.

PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng, BV Nhi đồng 1, cho rằng việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đang gặp khó khăn vì phải làm sao cho đúng luật nhưng cần đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế cho người dân, nhất là trong lúc nguồn cung trên thế giới rất khó khăn.

Theo PGS-TS Hùng, nhiều thiết bị chỉ định thầu cũng không có được. “Van tim, bộ lọc máu cứu bệnh nhân, bây giờ đi tìm trên cả nước cũng không có, ban giám đốc nói chỗ nào có bán thì có thể sẵn sàng bỏ tiền túi mua cho anh em điều trị nhưng cũng không có” - PGS-TS Hùng nói và mong Luật Đấu thầu mới có thể gỡ vướng vấn đề này để đội ngũ cán bộ y tế yên tâm làm việc.

Còn đại diện BV Phạm Ngọc Thạch cho rằng công tác đấu thầu đang gây áp lực cho nhân viên y tế.

“Họ chỉ được đào tạo về chuyên môn, nay lại phải làm thầu, họ chỉ hiểu ở mức độ nhất định là làm sao công khai, minh bạch. Tuy nhiên, khi cơ quan thanh tra vào, áp dụng luật thì trước sau cũng có việc, rất áp lực” - đại diện BV Phạm Ngọc Thạch nói và cho biết mong mỏi của mình là đấu thầu tập trung để nhân viên y tế tập trung vào công tác chuyên môn.

Cần sự giám sát từ cả bệnh nhân

Liên quan đến việc phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ tại BV, cơ sở y tế, ông Nguyễn Ngọc Bội, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Chính phủ, đề nghị phải kiểm soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng để tránh hành vi lạm dụng như cha, mẹ trong hội đồng tuyển dụng nên con được tuyển dụng.

Ngoài ra còn có sai phạm trong ký hợp đồng lao động tại BV. Ông Bội dẫn chứng tại BV tuyến huyện có trường hợp cha bổ nhiệm cho con trai làm phó khoa khi con chưa hết thời gian tập sự.

Ông Bội đề nghị BV phải công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng. Trong bổ nhiệm phải lưu ý thời hạn tuyển dụng, hồ sơ, công khai để cả bệnh nhân cùng biết nhằm kiểm soát, giám sát từ bên ngoài, từ người dân...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm