“Giời ơi, sao lại ăn mặc thế kia, rét cắt da cắt thịt mà mặc như thế đi ra đường rồi lăn ra ốm đau thì ai hầu? Đưa đây đưa đây em xem nào”, thế là vừa nói, vợ tôi vừa lao tới sát bên tôi, tay kéo tuột phéc mơ tuya áo khoác của tôi, lật lấy lật để mấy lớp áo bên trong rồi nằng nặc bắt tôi phải vào phòng mặc thêm một cái áo len nữa.
Biết tính vợ nếu không làm theo sẽ ầm ĩ nhà cửa nên tôi đành lẳng lặng vào mở tủ mặc thêm áo, dù cả người đã chật cứng mấy lớp áo nỉ, áo len.
Thế mà vẫn chưa được, tôi ra đến cửa vợ lại gọi với theo để đưa cho cái khẩu trang, bắt bịt vào để “đi đường khỏi bụi và hít khí lạnh”.
Tưởng thế là đã “đủ bài”, nào ngờ tôi vừa dắt xe vào cổng cơ quan, chưa kịp lên phòng, điện thoại đã rung bần bật trong túi quần và tiếng vợ tôi nheo nhéo “vào phòng làm việc có ấm hơn nhưng anh đừng cởi nhiều áo ra quá, lại gió mà cảm nhé. Cái khẩu trang cởi ra thì để luôn vào túi áo khoác kẻo chiều về lại quên. Thức ăn em để trong hộp cơm trưa chỉ đun nóng một tý thôi, không phải cho thêm gia vị kẻo mặn nhé....” Tôi ừ lấy ừ để rồi tắt máy mà đầu vẫn ong ong nghe toàn tiếng vợ dặn bên cạnh.
Chưa khi nào tôi thoát khỏi sự chăm sóc thái quá của cô ấy. Ảnh minh họa
Tôi đã gần 40 tuổi, là bố của hai con một gái một trai, đứa lớn cũng đã 12, đứa nhỏ 9 tuổi. Thế mà vợ lúc nào cũng coi tôi như “đứa con thứ 3” của cô ấy, từ ngày yêu, đến khi cưới nhau đã gần 15 năm nay, chưa khi nào tôi “thoát” khỏi sự chăm sóc một cách thái quá của cô ấy.
Nhiều lần góp ý với vợ nhưng cô ấy giận dỗi, cho rằng có yêu thương mới quan tâm, chăm sóc như vậy, rồi thì còn suy diễn ra đủ chuyện là “không muốn vợ chăm sóc, hay đã phải lòng con nào nên mới về lạnh nhạt, hắt hủi vợ như thế...”
Lúc chỉ có hai vợ chồng đã đành, đằng này kể cả khi nhà có khách, có ông bà ngoại hay bạn bè đến chơi, vợ tôi vẫn cứ “hồn nhiên” chăm chồng như thế.
Tôi phải làm như thế nào để vợ tôi “nới” bớt việc chăm sóc chồng như bảo mẫu đây?