Khó xử lý giám đốc bị cướp xe không báo công an

Sự việc ông Lê Hoàng Phong (Giám đốc Xí nghiệp Điện nước huyện Chợ Mới, An Giang) bị chặn đường cướp mất chiếc xe tay ga nhưng không trình báo công an, có hai luồng quan điểm pháp lý khác nhau. Ý kiến thì bảo ông Phong là cán bộ nhà nước phải có tinh thần và trách nhiệm tố giác tội phạm, giúp công an phá án nhanh hơn. Nhưng luồng ý kiến khác thì nói xe máy là tài sản của cá nhân nên luật quy định ông Phong có quyền chứ không phải có nghĩa vụ phải trình báo.

Là cán bộ nên phải trình báo

Theo luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Phát (Đoàn LS TP.HCM), ý kiến của chủ tịch UBND huyện Chợ Mới rằng có thể kỷ luật ông Phong về việc bị cướp mà không báo công an là có cơ sở. Bởi ông Phong - cán bộ cơ quan nhà nước là đảng viên nên phải hành xử có trách nhiệm hơn người dân thường. Bị cướp xe mà không trình báo là thể hiện thái độ tiêu cực, dung túng cho tội phạm. Điều 22 và Điều 314 BLHS cũng quy định trách nhiệm tố giác tội phạm khi một người biết rõ một tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện. Ông Phong là nạn nhân bị cướp nên đương nhiên biết rõ. LS Phát nói: “Trong quan hệ dân sự, cá nhân có quyền định đoạt tài sản của mình và tự do thực hiện quyền đó. Còn mất xe là quan hệ hình sự, tài sản bị cướp là chiếc xe, ông Phong có quyền từ bỏ nhưng không có quyền không tố giác”.

Một kiểm sát viên tại TP.HCM (đề nghị không ghi tên) và LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng là cán bộ nhà nước thì phải có tinh thần trách nhiệm tố giác tội phạm. Ở một phương diện khác, việc không trình báo công an là tiếp tay gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự của địa phương. Do không có thông tin trình báo nên công an đã không kịp triển khai truy bắt và nắm bắt tình hình tội phạm để đấu tranh, ngăn chặn và phòng ngừa tội phạm cho người dân. Ông Phong là cấp lãnh đạo tại địa phương cần có tinh thần cảnh giác và trách nhiệm phòng, chống tội phạm. Việc ông không tố giác tội phạm là cần phải phê bình, xử lý.

Quyền chứ không phải nghĩa vụ

Ngược với quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng chiếc xe là tài sản riêng của ông Phong, trình báo hay không là quyền chứ không là nghĩa vụ.

“Ông Phong chỉ có nghĩa vụ trình báo hoặc tố cáo nếu chiếc xe máy là tài sản mà tổ chức, cá nhân khác giao cho ông quản lý mà ông làm hư hỏng, mất mát hay bị cướp” - LS Ngô Đình Hoàng (Đoàn LS TP.HCM) nói. Tuy nhiên, ông nên tường trình và kê khai trung thực và đầy đủ những gì mình biết khi vụ việc được phát hiện điều tra.

Nếu cơ quan tố tụng đã khởi tố vụ án và yêu cầu ông Phong hợp tác làm sáng tỏ vụ án nhưng ông vẫn im lặng, gây khó khăn tố tụng thì mới xem xét đến trách nhiệm của ông. Còn chỉ vì sau khi mất tài sản của mình mà không trình báo thì không có cơ sở để xem xét trách nhiệm hay kỷ luật hành chính được.

Đồng quan điểm, LS Nguyễn Hữu Phúc (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng đang đi trên đường mà bị chặn cướp xe thì chưa thể kết luận ngay là ông Phong biết rõ đã có tội cướp tài sản. Vì việc xác định hành vi chiếm đoạt tài sản ấy thuộc tội danh gì trong BLHS là trách nhiệm của cơ quan tố tụng, người dân không có trách nhiệm phải biết. Nếu hành vi này chỉ có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt, cướp giật hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản thì BLHS không quy định người bị hại phải tố giác. Không có căn cứ để xử lý ông Phong về việc không tố giác khi mà ở thời điểm sự việc xảy ra chính ông cũng không thể phân biệt được đó là tội danh gì. Chỉ có trường hợp ông cố tình không hợp tác với cơ quan tố tụng và khai báo sai sự thật với mục đích cố ý không tố giác tội phạm thì mới đặt vấn đề xử lý, hình sự hay hành chính thì tùy tính chất, mức độ.

Chưa có trường hợp nào bị xử lý

Một lãnh đạo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho rằng thực tế đến nay chưa có trường hợp nào tương tự như ông Phong bị xử lý. Theo ông này, hành vi của ông Phong về mặt hành chính cơ quan quản lý ông không xử lý được. Có chăng chỉ bị cơ quan tố tụng xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm, nếu đủ yếu tố cấu thành theo quy định. Vì cướp tài sản và một số tội khác luật quy định người bị hại phải trình báo với cơ quan chức năng. Ngoài ra, tố giác cũng là việc cần làm của công dân trong đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung. “Xét về pháp lý, ông Phong có thể bị truy cứu hình sự nếu đủ cơ sở. Nhưng nếu vậy thì đây là trường hợp khá oái oăm vì người bị hại sẽ chuyển tư cách thành bị can” - vị lãnh đạo nói.

TUYẾN PHAN

Ông Phong từ chối bình luận

Ngày 3-5, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ bằng điện thoại với ông Lê Hoàng Phong. Ông cho biết đã viết tường trình vụ việc với cơ quan điều tra công an huyện xong rồi, đối với cấp trên (tức UBND huyện - PV) thì ông sẽ làm tường trình báo cáo sau.

Trả lời câu hỏi có bình luận gì trước ý kiến của UBND huyện là có thể xem xét kỷ luật mình, ông Phong nói: “Tôi đã tường trình hết ở công an huyện, nhà báo cứ liên hệ với công an”. Xong ông cáo bận và cúp máy.

THÙY DUNG

_______________________________

Bạn đọc nói gì?

- Ông Phong không trình báo chắc có lý do gì đó chứ không phải không muốn. Việc trình báo tránh được nhiều rắc rối khi tên cướp sử dụng xe máy gây tai nạn chết người, bỏ xe lại thì công an sẽ tìm tới ông Phong thôi. NHMM

- Khi là người của cơ quan nhà nước mà bị cướp thì phải có trách nhiệm khai báo cho công an và cơ quan. Nếu không khai báo là anh đang che giấu điều gì đó có thể liên quan đến quyền lợi, chức vụ của bị hại. CCB HUỲNH DUNG

- Không báo công an thì trách móc này kia nhưng báo cũng vậy thôi. Tôi bán điện thoại di động từng bị trộm cắt cửa vào khoắng hết máy móc, bóp ví, giấy tờ. Nhưng báo xong công an phường tới ghi vài dòng rồi “lặn” mất tăm. Tài sản thì mất mà báo thì cũng chả được gì cho nên nhiều khi ông Phong không muốn phiền hà. HOÀNG NGỌC SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm