Hàng loạt công sở ở nhiều địa phương tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đang bị bỏ hoang gây lãng phí trong thời gian dài gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong khi đó, vẫn có nhiều khó khăn vướng mắc trong quy trình xử lý nhà đất công sản.
Trụ sở công bỏ hoang gây lãng phí cơ sở vật
Mới đây, ông Trần Việt Dũng - Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị, đơn vị huyện Triệu Phong phản ánh việc hiện ở địa bàn huyện Triệu Phong có không ít trụ sở cơ quan, trường học sau sáp nhập để không hoặc chỉ có rất ít người làm việc trong một trụ sở lớn.
Đơn cử như trụ sở Chi cục Thuế huyện Triệu Phong cũ có thiết kế 5 tầng nhưng hiện chỉ có dưới 10 người làm việc. Tình trạng này gây nên sự lãng phí cơ sở vật chất và nguồn lực, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.
Không chỉ riêng huyện Triệu Phong, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều trụ sở công bỏ hoang thuộc quản lý của tỉnh Quảng Trị và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Phần lớn, các trụ sở công ở các vị trí đất vàng nhưng bỏ hoang hóa đã lâu dẫn đến tình trạng xuống cấp.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài những trụ sở bị bỏ hoang sau thời gian chuyển đổi vị trí, sáp nhập… thì gần đây việc sắp xếp lại cơ quan hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 của tỉnh cũng khiến dôi dư nhiều trụ sở cơ quan của các đơn vị sau sáp nhập.
Theo Sở Tài Chính tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện phương án bố trí, sử dụng trụ sở làm việc tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp.
Việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản của các cơ quan hành chính cũ trước đây đã được thực hiện tương đối tiết kiệm và có hiệu quả. Đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư, thực hiện sắp xếp lại được xử lý theo hình thức điều chuyển hoặc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Huế cũng có trụ sở công bỏ hoang ngay trên đất vàng
Tại Thừa Thiên Huế, nhằm thực hiện đề án của UBND tỉnh về quy hoạch khu thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp, đầu năm, 2022, nhiều trụ sở đóng trên trục đường Lê Lợi được di dời về nơi làm việc mới thuộc khối nhà hành chính tập trung nằm trên đường Võ Nguyên Giáp.
Tuy nhiên, do vướng cơ chế, quy định về quản lý tài sản công, nhiều trụ sở công bỏ hoang dọc đường Lê Lợi … đang gây lãng phí công sản mà chưa có hướng xử lý tối ưu. Đặc biệt, trục đường này là một trong những tuyến đường đẹp nhất của TP Huế khi mặt tiền hướng ra sông Hương.
Trong đó, khu đất số 22-24 đường Lê Lợi với diện tích gần 5.000m2, tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng khách sạn đạt tối thiểu 270 phòng, có phòng hội nghị 500m2 trở lên cùng khu nhà hàng và các dịch vụ du lịch.
Khu đất 26-28-30 Lê Lợi có diện tích hơn 6.000m2, tỉnh kêu gọi đầu tư tổ hợp khách sạn khoảng 250-300 phòng. Bốn mặt tiền đường phải bố trí khu vực thương mại dịch vụ, tạo không gian thoáng đãng để kết nối với trục không gian văn hóa nghệ thuật dọc tuyến đường và bờ sông Hương.
Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh cho biết theo bản quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế vừa được Thủ tướng phê duyệt, các khu "đất vàng" kể trên được quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ. Do vậy, khi có nhà đầu tư muốn thuê đất thì phải đập bỏ những ngôi nhà từng là trụ sở của các cơ quan nhà nước vì không còn đáp ứng đúng công năng, khiến doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí đập phá.
Tuy nhiên, tài sản trên đất lại là tài sản công nên vẫn phải đấu giá cùng khu đất theo quy định. Điều này là không khả thi đối với doanh nghiệp. Do vướng cơ chế như vậy nên các khu đất rơi vào thế kẹt, bán không được mà để vậy cũng không xong.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhiều lần kiến nghị, làm việc với Bộ Tài chính, Bộ TN&MT để xem xét lại các trường hợp này bởi nếu áp dụng bán theo tài sản công sẽ rất khó trong việc kêu gọi các nhà đầu tư.