Bỏ hoang 15 năm do chưa nghiệm thu
Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu, tọa lạc giữa khu dân cư đông đúc trên đường Vành Đai (phường 10, quận 6, TPHCM) đã bỏ hoang 15 năm nay. Trường được khởi công xây dựng vào năm 2003, đưa vào hoạt động năm 2005 với kinh phí đầu tư gần 20 tỉ đồng, quy mô 6.600 m2 gồm ba tầng, 26 phòng học và các phòng chức năng, hội trường.
Với kiến trúc khá đồ sộ, nhưng chỉ sau bốn năm hoạt động (2005-2008), trường Tiểu học Trần Văn Kiểu có hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn học sinh, giáo viên. Các hạng mục như nền có hiện tượng sụt lún, nứt nẻ; kết cấu chịu lực, hệ bao che, công trình phụ trợ như sân nền, nhà vệ sinh, cầu thang thoát hiểm bị hư hỏng nặng.
Trước hiện trạng hư hỏng, mất an toàn cho học sinh, vào năm 2010, UBND quận 6 đã ra quyết định di dời toàn bộ học sinh sang Trường THCS Nguyễn Văn Luông.
Gần hai thập kỉ trôi qua, ngôi trường này giờ đây chỉ còn là một khối bê tông xám xịt, nằm trơ trọi bên trong các tấm tôn, dựng cao hơn đầu nhằm che chắn một công trình hư hỏng, xuống cấp.
Bên trong, các cấu trúc hạ tầng hư hỏng hoàn toàn, trên sàn gạch là các tấm kính vỡ vụn, nền đất và nền trần nhà bong tróc; tôn trần nằm rải rác trên nền gạch, tường và nền có nhiều vết nứt lớn.
Tương tự, phòng hội trường cũng đã xuống cấp nặng, la phông, gạch nền hầu như đã bong tróc gần hết, hình vẽ bậy xuất hiện khắp nơi.
Trường bị bỏ hoang và không có người trông coi, nhiều phòng học, hành lang tại đây trở thành địa điểm tụ tập hút thuốc, qua đêm của người vô gia cư. Một số nơi còn sót lại vô số tàn thuốc, chai lọ, tạo thành những bãi rác. Tại một số phòng học, các rễ cây mọc xuyên qua tường, một vài cây xanh mọc thành gốc lớn kiên cố trên nóc trường, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Chị N.T.H (sống đối diện trường) cho biết, trước khi nghỉ hè, hằng ngày con chị phải đạp xe gần 2km đến Trường Tiểu học Nguyễn Văn Luông để học. Trường ngưng hoạt động nhiều năm khiến nhiều học sinh trong khu vực phải tìm đến các điểm trường khác để học với khoảng cách xa hơn.
"Từ ngày trường học đóng cửa, nhiều người còn vào đây để lấy trộm các thiết bị, vật liệu nhôm, sắt. Tôi mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục, sữa chữa để con em có trường gần để học, tránh lãng phí tài sản công” – chị H đề nghị.
Đề xuất chi 95 tỉ xây trường mới
Theo UBND quận 6, sau khi di dời học sinh, quận 6 đã đưa ra phương án khắc phục công trình với kinh phí gần 6,5 tỉ đồng, do các bên liên quan đóng góp sửa chữa.
Tuy nhiên, sau khi khắc phục, đến nay công trình vẫn chưa được sử dụng do chưa hoàn thành công tác nghiệm thu, quyết toán công trình dẫn đến bỏ hoang gần 15 năm.
Để tìm hướng ra cho dự án, trong những năm qua, lãnh đạo TP đã nhiều lần làm việc với UBND quận 6. Trong lần làm việc gần nhất vào ngày 7-3-2024, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu (nay là trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM) đã chỉ đạo Sở Tài chính cùng Sở Xây dựng tham mưu thực hiện công tác nghiệm thu, quyết toán công trình theo kiến nghị của UBND quận 6.
Trước đó, UBND quận 6 đã tổ chức làm việc, trao đổi nội dung liên quan đến giá trị bồi thường và trách nhiệm bồi thường của các đơn vị liên quan là Xí nghiệp tư vấn thiết kế Bình Phú, Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (đơn vị thi công), Công ty cổ phần Tư vấn kiến trúc và xây dựng TPHCM (tư vấn giám sát), Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 6 thời điểm thực hiện dự án.
Cụ thể, có 3/4 đơn vị thống nhất đóng góp kinh phí hoàn trả ngân sách và một đơn vị chưa thống nhất đóng góp kinh phí hoàn trả ngân sách (Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong - đơn vị thi công dự án).
Dự kiến sau khi nghiệm thu và quyết toán, quận sẽ chủ động trong thực hiện công tác đầu tư xây dựng mới trường học giai đoạn 2025 – 2030. Đồng thời, đề xuất chủ trương đầu tư công trong giai đoạn tới với tổng kinh phí xây dựng dự kiến 95 tỉ đồng.
Tuy nhiên đến nay, tiến độ nghiệm thu, quyết toán công trình vẫn còn là một dấu hỏi lớn trong bối cảnh trường học bị bỏ hoang, trong khi nhu cầu về lớp học trên địa bàn là vô cùng lớn.