Khó xử việc chây ỳ, không thực hiện kết luận thanh tra

“Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thanh tra chỉ có quyền kiến nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý. Tuy nhiên, tỉ lệ khởi tố các vụ việc này còn thấp mà không có phản hồi lý do” - ông Diện dẫn chứng và cho rằng thanh tra đang thiếu một số quyền rất quan trọng, trong đó có quyền khởi tố vụ án, điều tra ban đầu.

Cạnh đó, thanh tra cũng không có quyền xử lý vi phạm trong việc chây ỳ, không thực hiện kết luận thanh tra. Cụ thể, pháp luật về thanh ra chưa có một chế tài mang tính cưỡng chế, bắt buộc đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện các yêu cầu từ phía các chủ thể thanh tra, ngoại trừ biện pháp báo cáo với cơ quan chủ quản của đối tượng thanh tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện (bìa phải)cho rằng khó xử lý việc chây ỳ, không thực hiện kết luận thanh tra. Ảnh: ĐỨC MINH

“Trường hợp cơ quan chủ quản của đối tượng thanh tra bao che cho đối tượng thanh tra thì việc xem xét, xử lý đối tượng thanh tra là rất khó khăn” - ông Diện nói.

Nhận định này được nhiều đại biểu dự hội nghị đồng tình. Đại diện Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực dẫn chứng việc thực hiện kết luận thanh tra tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vừa qua. Theo kết luận thanh tra, từ 10-4-2015 đến 31-8-2016, Phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ chứng thực trên 29.000 hồ sơ yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch (chủ yếu từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài để sử dụng ở nước ngoài). Tuy nhiên, Phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ đã không tuân thủ nghiêm túc quy định về lưu trữ hồ sơ chứng thực chữ ký của người dịch (trong thời hạn hai năm) dẫn đến hậu quả không có căn cứ để xác định tính chính xác của chữ ký người dịch, tính hợp pháp của việc chứng thực chữ ký người dịch đối với số lượng lớn hồ sơ này.

Cục đã có hàng loạt kiến nghị, trong đó có việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có hành vi sai phạm trong công tác chứng thực tại Phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ, đồng thời yêu cầu báo cáo kết quả trước ngày 30-1-2017. Tuy nhiên, nửa năm đã trôi qua, đến nay Cục vẫn chưa nhận được bất cứ báo cáo nào về việc này.

Từ thực tiễn nói trên, Bộ Tư pháp đã kiến nghị hoàn thiện Luật Thanh tra theo hướng quy định chế tài cụ thể trong việc xử lý các đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các kết luận thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận thanh tra.

Cùng với đó, quy định cụ thể tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, xây dựng tính hệ thống, liên kết của cơ quan thanh tra cấp dưới với cơ quan thanh tra cấp trên; quy định rõ trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với kết luận thanh tra…

Từ 1-7-2011 đến tháng 5-2017, Bộ Tư pháp đã tiến hành 124 cuộc thanh tra theo kế hoạch, ra quyết định thu hồi hơn 1,1 tỉ đồng, xử lý vi phạm hành chính hơn 531 triệu đồng. Theo báo cáo từ Thanh tra Bộ Tư pháp, tất cả cá nhân, tổ chức có sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra đều bị xử lý tương xứng với hành vi vi phạm, trong đó có cả các cán bộ giữ vị trí cục trưởng, chi cục trưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới