Chính phủ vừa ban hành Nghị định 159/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2017,
Theo đó, Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước để giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thành viên Ban Thanh tra nhân dân phải là người trung thực, công tâm, có uy tín, có hiểu biết về chính sách, pháp luật, tự nguyện tham gia Ban Thanh tra nhân dân.
Thành viên Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn, phải là người thường trú tại xã, phường, thị trấn và không phải là người đương nhiệm trong UBND xã, phường, thị trấn;
Thành viên Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước phải là người đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước và không phải là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này.
Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ năm đến 11 thành viên. Trong đó, những xã, phường, thị trấn ở đồng bằng có dưới 5.000 dân được bầu năm hoặc bảy thành viên; từ 5.000 người đến dưới 9.000 người được bầu bảy hoặc chín thành viên; từ 9.000 người trở lên được bầu chín hoặc 11 thành viên.
Với những xã, phường, thị trấn ở miền núi, trung du và hải đảo, mỗi thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố được bầu một thành viên nhưng số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân không quá 11 người.
Đối với các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, Ban Thanh tra nhân dân có thể có ba, năm, bảy hoặc chín thành viên.