Trưởng thôn cũng lạm quyền

Ngày 2-10, Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp đã nghiệm thu kết quả dự án điều tra cơ bản về thực trạng thi hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (năm 2007). Theo nhóm nghiên cứu, nhiều nội dung của pháp lệnh đã đi vào đời sống xã hội ở cơ sở và được thể hiện trên các công việc rất cụ thể: Huy động đóng góp của nhân dân xây dựng các công trình cộng đồng (điện, đường, trường, trạm…), bầu trưởng thôn, xây dựng hương ước, quy ước, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt cấp xã, hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng…

Dán thông báo nhưng có lưới bảo vệ

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Hiển, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Chủ nhiệm dự án, pháp lệnh năm 2007 đã bộc lộ nhiều bất cập, cần được thay thế bằng một văn bản khác.

Cũng theo ông Hiển, nhiều nội dung và cách thức thực hiện dân chủ ở cấp xã còn mang nhiều tính hình thức, thụ động, dân ít quan tâm. Chẳng hạn, pháp lệnh quy định hơn 10 nội dung chính quyền cấp xã phải công khai cho người dân biết, đồng thời xác định rõ hình thức công khai nhưng lại thiếu vắng những quy định bảo đảm tính minh bạch trong việc công khai. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều địa phương thực hiện việc công khai một cách chiếu lệ, tuy vẫn đúng nội dung cần công khai, đúng địa điểm phải công khai nhưng người dân vẫn khó tiếp cận văn bản được công khai. “Có nơi dán thông báo có nhiều trang trên bảng thông báo có lưới bảo vệ” - điều tra của Bộ Tư pháp dẫn chứng.

Trưởng thôn cũng lạm quyền ảnh 1

Hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng trong các công trình ở địa phương còn nhiều bất cập. Ảnh: HTD

Cạnh đó, cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền cơ sở thông qua thiết chế ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng cũng có nhiều bất cập. “Các thiết chế nói trên không có đủ cơ chế và điều kiện thực tế để hoạt động hiệu quả” - báo cáo cho hay.

Cụ thể, các thiết chế này phụ thuộc vào chính quyền sở tại về ngân sách, kinh phí; các quy định về thẩm quyền mang tính hình thức, thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện quyền năng giám sát; người dân cũng không nhận thức rõ được vị trí, tính chất hoạt động của thiết chế này. Khi được hỏi về vai trò của ban thanh tra nhân dân, 44,4% (trong số 2.588 người tham gia trả lời phiếu) cho rằng hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạt ở mức trung bình; 12,5% cho rằng hoạt động chưa tốt…

Trên cơ sở kết quả điều tra, nhóm khảo sát kiến nghị nên tổ chức rà soát, quy trình hóa và cải tiến các quy trình liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cấp xã một cách công khai, để mỗi người dân “phải” (chứ không dừng ở việc “cần” hoặc “nên”) được biết, được bàn, được quyết định và kiểm tra.

Tự ý bán đất công

Báo cáo của nhóm khảo sát cũng nhận định tình trạng hành chính hóa, biến thiết chế trưởng thôn/tổ trưởng dân phố thành một cấp chính quyền cơ sở đang có xu hướng phát triển. Nhiều công việc lẽ ra phải do chính quyền cấp xã thực hiện (như việc thu thuế, thu phí, xác minh các thủ tục hành chính…) đang bị đẩy về cho trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố thực hiện. Cách thức tổ chức và hoạt động của thiết chế này cũng đang bị hành chính hóa và theo khuôn mẫu chung cứng nhắc, không có sự phân biệt giữa các vùng, miền, địa phương…

Cạnh đó, trình độ đội ngũ trưởng thôn cũng có nhiều bất cập, nhiều người thậm chí chưa tốt nghiệp THPT và không ít người chỉ học hết lớp 4… Từ nhận thức không đúng về pháp luật và trách nhiệm, không ít trưởng thôn đã lạm quyền. “Xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội có trường hợp trưởng thôn đã tự cho mình quyền cắt đất công ra bán, đấu thầu hoặc xẻ đất cho thuê trái phép, cho lập barie ở đường đi chung để thu tiền phương tiện qua lại” - báo cáo dẫn chứng.

Từ thực tế này, nhóm khảo sát đặt ra hàng loạt câu hỏi, thiết chế thôn/tổ dân phố có vị trí thế nào trong mô hình tổ chức bộ máy nhà nước? Là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở hay là thiết chế tự quản tại cơ sở? Có nhất thiết cách thức tổ chức, trình tự hình thành, địa vị pháp lý thiết chế này ở tất cả vùng miền, địa phương là như nhau hay không?

Dự án của Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) tập trung vào điều tra thực trạng thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong khoảng thời gian từ khi pháp lệnh năm 2007 bắt đầu có hiệu lực (1-7-2007) đến hết tháng 6-2012. Ban chủ nhiệm đề án đã tổ chức khảo sát tại chín địa phương ở ba miền gồm Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Đắk Lắk, TP.HCM. Ninh Thuận; tổ chức chín cuộc hội thảo và 32 buổi tọa đàm…

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm