Hai thập niên kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36/2004 về công tác đối với người Việt Nam (VN) ở nước ngoài, đến nay VN đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong việc thu hút nguồn lực quý là trí thức kiều bào quay về cống hiến cho quê hương.
Cần cơ chế bền vững trong thu hút nguồn lực trí thức kiều bào
GS-TS Đặng Lương Mô, giáo sư danh dự ĐH Hosei (Nhật Bản), chia sẻ suốt hàng chục năm qua ông luôn đau đáu về việc vận động nguồn lực trí thức kiều bào tham gia vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Năm 2005, ông đã đề xuất với ĐH Quốc gia TP.HCM thành lập Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC). Cũng trong năm này, ông cùng một số đồng nghiệp sáng lập Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Việt kiều, làm cầu nối giữa các kiều bào là nhà khoa học kỹ thuật trên toàn thế giới với các tổ chức, trường ĐH trong nước.
Kể về Trung tâm ICDREC, ông Mô cho biết trung tâm này có nhiều đóng góp lớn, thành công sản xuất chip vi mạch thương mại đầu tiên của đất nước (chip SG8V1) - mở ra bước tiến đáng kể trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn của VN. Trung tâm cũng đã đào tạo được đội ngũ hàng ngàn kỹ sư thiết kế chip đang hoạt động trên toàn quốc. Tuy nhiên, từ năm 2016, Trung tâm ICDREC đã giảm hoạt động và đến nay hầu như đã giải thể.
Từ mô hình này, ông đánh giá việc duy trì các sáng kiến hợp tác không đơn giản và cần có một cơ chế bền vững hơn trong thu hút và duy trì nguồn lực trí thức để cống hiến cho quê hương.
Theo GS-TS Đặng Lương Mô, khi đã huy động nguồn lực trí thức kiều bào thì cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng và đặc biệt phải trả lời được câu hỏi: “Ta có thật lòng cần họ không và cần những nhân tài nào?”. Sau đó cần tiếp tục tạo mọi môi trường, điều kiện cho trí thức kiều bào cống hiến và đánh giá đúng công việc họ làm.
“Điều quan trọng hơn với họ là sự tôn trọng, công bằng. Quan hệ hợp tác, đối xử, đãi ngộ… nên được xây dựng và phát triển trên cơ sở có lợi cho cả đôi bên. Trong quan hệ hợp tác này, doanh nghiệp, nơi thụ hưởng nên đóng vai trò chủ động, Nhà nước đóng vai hỗ trợ cơ chế, chính sách” - GS-TS Đặng Lương Mô nói.
Ông Mô cũng gợi mở chúng ta cần một “ngân hàng tài năng Việt kiều” để quy tụ những kiều bào có thể đóng góp cụ thể, dài hạn cũng như ngắn hạn. Còn những nơi có nhu cầu có thể đăng ký để ngân hàng này huy động nguồn nhân lực thích hợp.
Cần có quy trình đột phá để trí thức kiều bào tham gia việc quản lý
PGS-TS Bùi Quốc Bảo, kiều bào Pháp, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đánh giá trong những năm qua, VN đã có nhiều chính sách nhằm kêu gọi các chuyên gia, trí thức kiều bào quay về cống hiến. Tuy vậy, nguồn lực chất xám từ kiều bào còn rất lớn, có thể khai thác được nhiều hơn.
Ông Bảo khẳng định vấn đề thu nhập không phải là rào cản quyết định khiến nhiều trí thức ngần ngại về nước. “Kiều bào còn lo ngại khi thay đổi môi trường sống của cả gia đình. Hay với những trí thức đã có tên tuổi, công việc ổn định, nếu không phải được “mời” mà phải đi “xin việc” thì họ cũng sẽ không về” - ông Bảo lý giải.
PGS-TS Bùi Quốc Bảo cho rằng còn một nguyên nhân quan trọng khác là kiều bào e ngại về thủ tục hành chính, trang thiết bị hỗ trợ và đội ngũ nhân lực cùng thực hiện các dự án chưa đáp ứng được yêu cầu, điều này sẽ khiến họ không thể phát huy hết khả năng của mình.
“Một chuyên gia, nhà khoa học giỏi cũng khó phát huy vai trò nếu không nhận được sự hỗ trợ đi kèm, cụ thể đó là các trang thiết bị, máy móc và đội ngũ hỗ trợ” - ông Bảo nói.
Quan trọng hơn, PGS-TS Bùi Quốc Bảo cho rằng người làm khoa học chân chính thường ít quan tâm đến việc được quản lý hay nhận được chức vụ cao, tuy nhiên họ không thể một mình xoay xở để làm các dự án lớn, mà cần có một đội ngũ để cùng hỗ trợ.
Theo ông, để có thể tuyển dụng, thành lập đội nhóm nghiên cứu với các thành viên phù hợp, chuyên gia cần được quyết định trong tuyển dụng, sử dụng tài nguyên như con người, máy móc, kinh phí… Vì vậy, họ nên được bổ nhiệm vào những vị trí để “danh chính ngôn thuận”.
“Những quyết sách năng động, sáng tạo trong đơn giản hóa các thủ tục, quy trình đột phá trong bổ nhiệm chuyên gia người Việt ở nước ngoài tham gia quản lý, điều hành các đơn vị nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ… là điều mà nhiều trí thức kiều bào kỳ vọng TP.HCM sẽ làm được” - ông Bảo nói thêm.
Cũng theo ông Bảo, những chuyên gia, trí thức đang giữ các vị trí, mối quan hệ tốt tại nước sở tại là những người có nhiều kinh nghiệm quý giá, có thể cống hiến từ xa.
“Như trước đây khi tôi ở Pháp, việc tham quan, làm việc tại một nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe. Do đó, chỉ các chuyên gia, trí thức đang làm việc với những vị trí phù hợp ở nước sở tại mới có điều kiện tiếp xúc với các công nghệ tiên tiến và rất đặc thù” - ông Bảo kể.
PGS-TS Bùi Quốc Bảo kỳ vọng VN có thể tạo điều kiện để các chuyên gia, trí thức cống hiến từ xa, tổ chức những đợt làm việc ngắn ngày để họ cùng hợp tác, chia sẻ với đồng nghiệp tại VN.
Nguồn lực quý giúp đất nước “đi tắt đón đầu”
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM, đánh giá đội ngũ trí thức kiều bào là một nguồn lực tiềm năng có thể giúp VN “đi tắt đón đầu” các công nghệ mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tạo dựng quan hệ hợp tác với các cơ sở kinh tế, khoa học ở các nước.
Tại TP.HCM, các chuyên gia kiều bào đã có những đóng góp tích cực thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tư vấn chiến lược phát triển cho TP. Nhận thức được tiềm năng to lớn đó, TP đã tích cực cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, hoàn thiện môi trường hoạt động cho trí thức kiều bào.
Cụ thể, TP đã ban hành nhiều chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, kịp thời khen thưởng để thu hút kiều bào tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học… và có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào những lĩnh vực mà TP.HCM quan tâm.
Đến nay, TP.HCM đã thu hút được khoảng 500 chuyên gia, trí thức kiều bào từ nhiều quốc gia trên thế giới về hợp tác làm việc dài hạn tại TP. Ngoài ra, có nhiều chuyên gia kiều bào đã tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Riêng ĐH Quốc gia TP.HCM đã ký kết hợp tác với hơn 200 trí thức kiều bào.
Bà Mai nhìn nhận việc thu hút trí thức kiều bào về đóng góp cho TP còn gặp nhiều thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để đáp ứng kỳ vọng và tạo động lực cho đội ngũ này.
“Những chính sách về thuế, nhà ở, môi trường làm việc và quyền sở hữu trí tuệ vẫn cần được hoàn thiện để tạo sự hấp dẫn hơn đối với các chuyên gia và nhà khoa học ở nước ngoài” - bà Mai nêu thực tế.
Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin cụ thể về nhu cầu tuyển dụng và những lĩnh vực TP đang ưu tiên phát triển cũng khiến nhiều trí thức kiều bào chưa tìm thấy hướng đi phù hợp khi trở về.
“TP.HCM nhận thức rõ những trở ngại này và đang nỗ lực khắc phục. TP muốn tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi, nơi mà trí thức kiều bào không chỉ cảm thấy được chào đón mà còn có thể phát huy tối đa năng lực” - bà Mai khẳng định, đồng thời cho biết TP sẽ đẩy mạnh xây dựng các chương trình kết nối, nghiên cứu triển khai cơ chế đãi ngộ phù hợp và mở rộng các diễn đàn để trí thức kiều bào đóng góp ý kiến.
Theo bà Mai, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc VN, TP.HCM đặt mục tiêu không chỉ thu hút mà còn tạo dựng môi trường làm việc gắn bó lâu dài cho trí thức kiều bào, đặc biệt trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và kinh tế xanh.
Hiện có trên 6 triệu người VN đang sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có khoảng 600.000 chuyên gia, trí thức kiều bào có trình độ ĐH và trên ĐH (chiếm tỉ lệ 10%), đang làm việc tại các cơ sở khoa học, các viện nghiên cứu, các trường ĐH và các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài.
Nhiều trí thức người VN ở nước ngoài cũng thành đạt trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế chính trị. Một số người giữ các vị trí quan trọng trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, bệnh viện, công ty kinh doanh và tổ chức quốc tế…
*****
Tham mưu hoàn thiện môi trường hoạt động cho trí thức kiều bào
Thời gian qua, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tích cực nỗ lực tham mưu cho Thành ủy – UBND TP hoàn thiện môi trường hoạt động cho trí thức kiều bào, thực hiện nhiều chính sách trọng dụng nhân tài, đãi ngộ, khen thưởng kịp thời để thu hút kiều bào tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới...
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các cuộc gặp gỡ, tạo cơ hội để trí thức, doanh nhân kiều bào giao lưu, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư, cống hiến hoặc trao đổi, góp ý, tháo gỡ vướng mắc khó khăn; làm cầu nối giữa kiều bào với các cá nhân, đơn vị, địa phương trong nước và ngược lại.
Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tham mưu đưa công tác vận động kiều bào vào các chương trình làm việc của lãnh đạo TP khi đi công tác nước ngoài. Qua đó thu hút, quy tụ, tập hợp trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, kết nối các hoạt động về khoa học công nghệ để tạo ra những giá trị cụ thể, đóng góp trực tiếp sự phát triển của TP.
*****
Ý KIẾN
Ông NGUYỄN ĐỖ DŨNG, kiều bào Singapore, Tổng Giám đốc enCity Urban:
Nuôi dưỡng người tài từ trường học
Thời gian qua, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã có những cơ chế, chính sách nhằm thu hút và trọng dụng người tài, tuy nhiên kết quả chưa được như mong đợi. Nguyên nhân ở đây là do tiền lương chưa tương xứng, hệ thống tuyển dụng cũng chưa hợp lý…
Ở Singapore, việc tiến cử người tài sẽ được xem xét kỹ lưỡng về kết quả công việc. Bước đầu trong tuyển mộ nhân tài là tiến cử rồi đến quá trình phỏng vấn, ứng cử viên có thể trải qua năm, sáu lần sàng lọc từ nhiều cấp. Như bản thân tôi khi mới đến tìm hiểu cơ hội tại Singapore cũng được mời gặp một cán bộ cấp bậc director (tương đương Vụ trưởng) trong cơ quan Chính phủ.
Ngoài ra, Singapore cũng có học bổng của Chính phủ để “nuôi dưỡng” những người tài ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Học bổng này sẽ đưa sinh viên đến những trường đại học tốt nhất trên thế giới để học tập kinh nghiệm và quay về cống hiến.
Với TP.HCM, tôi cho rằng cần nghiên cứu để xác định được cụ thể những tiêu chuẩn tuyển chọn nhân tài. Ngoài ra, lãnh đạo TP.HCM nên có cam kết công khai rõ ràng việc thực hiện chính sách trọng dụng người tài để đảm bảo niềm tin và thu hút nhân tài trên cả nước tham gia vào khu vực công.
TP cũng có thể lập các nhóm cố vấn hay các đội chuyên trách… để huy động người tài tham gia vào các nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt, khẩn cấp, giúp tháo gỡ điểm nghẽn cốt lõi như chuyển đổi số cho hệ thống quản lý công, xây dựng giao thông công cộng, nhà ở xã hội…
------
TS NGÔ PHẨM TRÂN, kiều bào Đài Loan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam – Đài Loan:
Có chính sách thu hút kiều bào là chuyên gia đầu ngành
Tôi đã và đang hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia thuộc Bộ KH&ĐT. Trung tâm này thường xuyên tổ chức các chương trình tìm hiểu về các sản phẩm, dự án nghiên cứu đổi mới sáng tạo của kiều bào ở nước ngoài; thường xuyên tuyên truyền, kết nối với kiều bào qua các buổi trao đổi, toạ đàm… Qua đó, tạo hành lang thông tin rõ ràng, giúp thu hút không chỉ kiều bào trí thức về làm việc mà còn giúp các doanh nghiệp của kiều bào trong việc tìm hiểu và về nước phát triển.
Tôi biết ở TP.HCM cũng có trung tâm tương tự nhưng từ trước đến này tôi chưa thấy thông tin hay chiến lược cụ thể để thu hút trí thức kiều bào về hoạt động ở các trung tâm này. Vì vậy các trí thức kiều bào chưa có sự kết nối để đến TP.HCM phát triển.
Ở nước ngoài hiện có rất nhiều kiều bào là chuyên gia đầu ngành, vì vậy tôi hy vọng TP.HCM trong tương lai sẽ thu hút nhiều hơn lực lượng này quay về hoặc cống hiến từ xa. Nếu TP đưa ra hành lang pháp lý, có chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào quay về cống hiến thì chắc chắn TP.HCM sẽ là lựa chọn ưu tiên của nhiều kiều bào.