Người dân TP.HCM đang rất kỳ vọng vào các dự án giao thông trọng điểm ở các cửa ngõ TP. Bởi các dự án này sẽ giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để có cái nhìn tổng quan về kế hoạch thực hiện cũng như giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án nói trên, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM.
Được chấp thuận đầu tư nhiều dự án lớn
. Phóng viên: Thưa ông, hiện nay TP.HCM đang tập trung nhiều dự án giao thông ở cả bốn cửa ngõ TP và được người dân ủng hộ, kỳ vọng. Ông đánh giá thế nào về tình hình các dự án này?
+ Ông Trần Quang Lâm: TP.HCM là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ; là đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng của cả nước và đầu tàu phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam. Những năm qua, TP đã nghiên cứu giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng GTVT nói riêng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại.
Theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc phát triển giao thông cửa ngõ và kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là các tuyến đường sắt đô thị, cao tốc, quốc lộ, vành đai, đường trên cao, trục hướng tâm, trục chính đô thị và các nút giao thông quan trọng...
Thời gian qua Sở GTVT đã tham mưu và được TP chấp thuận, triển khai, thi công một số dự án cửa ngõ TP như mở rộng xa lộ Hà Nội, nút giao thông An Sương, Mỹ Thủy, Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ…
Qua theo dõi, đánh giá và mô phỏng tình hình giao thông, trên cơ sở quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sở đã báo cáo và được UBND TP chấp thuận sử dụng nguồn vốn ngân sách TP để đầu tư một số dự án như vành đai 2 (đoạn 1, đoạn 2, đoạn 4), mở rộng quốc lộ 1, 13, 22, 50, nút giao thông An Phú... để phát triển giao thông cửa ngõ và kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đến nay, nhận xét chung về tiến độ thực hiện xây dựng công trình theo quy hoạch của TP còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số và chưa tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế.
Nút giao An Sương - một trong những dự án được TP ưu tiên xây dựng ở khu vực tây bắc TP. Ảnh: THU TRINH
Nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng
. Một trong những vấn đề khó khăn khiến các dự án chậm triển khai hoặc chậm tiến độ chính là giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo ông, các đơn vị chức năng nên làm gì để giải quyết vấn đề này?
+ Chính sách pháp luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện về bồi thường GPMB có nhiều thay đổi, dẫn đến các đơn vị lúng túng khi triển khai. Bên cạnh đó, công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường GPMB các dự án còn chậm do vướng mắc liên quan đến việc xác định đơn giá đất để tính bồi thường; vướng mắc về chính sách hỗ trợ, quỹ nền tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Công tác GPMB còn gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng, đơn giá bồi thường đối với các khu đất đặc thù chưa có trong quy định, phải báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của cơ quan trung ương (Bộ TN&MT, Bộ Tài chính...). Ngoài ra, chi phí bồi thường GPMB tăng so với tổng mức đầu tư do pháp lý đất chưa được làm rõ khi lập dự án; công tác quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ, giá đất tăng do quá trình đô thị hóa.
Giải pháp căn cơ của TP là khẩn trương hoàn thành việc rà soát cơ chế, chính sách, các thủ tục về đất đai liên quan đến công tác bồi thường và GPMB.
Ngoài ra, đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan theo Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM.
Hằng năm, Sở GTVT ban hành danh mục các công trình trọng điểm; tổ chức họp giao ban định kỳ hằng tuần để nắm bắt và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các sở, ngành, địa phương. Từ đó, kiến nghị TP và các bộ, ngành trung ương giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện phải tập trung, ưu tiên đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB, coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần phải quan tâm thường xuyên.
Các giải pháp về nguồn vốn
. Nhiều ý kiến cho rằng các dự án gặp khó khăn còn do thiếu vốn bởi nhu cầu về vốn để đầu tư cho các dự án là rất lớn? Cụ thể là như thế nào, thưa ông?
+ Việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cần có nguồn lực rất lớn, hiện nay nguồn lực để đầu tư chính gồm ngân sách TP, ODA, hình thức đối tác công tư (PPP) và nguồn vốn trung ương.
Về nguồn ngân sách TP hiện không đáp ứng được nhu cầu đầu tư do tỉ lệ ngân sách TP để lại còn thấp (18%).
Nguồn ODA về lâu dài, với các chính sách ưu đãi về vốn vay (lãi suất, thời gian trả vốn và lãi vay) sẽ dần bị thu hẹp lại do sự tăng trưởng về kinh tế và thu nhập bình quân đầu người. Trong khi đó, ngân sách TP vốn đã bị hạn hẹp, ngoài việc phần lớn được bố trí cho công tác bồi thường GPMB và tái định cư, trả nợ cho các khoản vay ODA đến hạn thì khó có thể bố trí đầy đủ và đồng bộ từ nguồn lực đầu tư này.
Về vốn đầu tư theo hình thức PPP, thời gian qua việc triển khai thu hút vốn đầu tư cho các dự án chủ yếu thông qua các hình thức hợp đồng BOT, BT. Kết quả chưa đáp ứng kỳ vọng vì một số yếu tố như các văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành kịp thời, đầy đủ, đồng bộ; tính pháp lý chưa cao, văn bản có hiệu lực pháp luật cao nhất mới chỉ là nghị định…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14, theo đó các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Vì vậy, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn TP dự kiến ban đầu theo hình thức BOT cần phải chuyển đổi hình thức đầu tư khác phù hợp.
Về nguồn ngân sách trung ương, hiện chưa ưu tiên vốn để đầu tư một số tuyến đường quy hoạch theo đúng kế hoạch của TP như các cao tốc, vành đai 3, 4... để kết nối vùng.
. Theo ông, giải pháp nào để gỡ vướng về nguồn vốn?
+ Thứ nhất, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn vốn (ngân sách, ngoài ngân sách, xã hội hóa), kêu gọi đầu tư để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.
Thứ hai, nghiên cứu, rà soát và ban hành các quy định có liên quan theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trong đó, ưu tiên tập trung nghiên cứu các cơ chế thu hút vốn, cơ chế quản lý đầu tư để phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ.
Thứ ba, nghiên cứu, hoàn thiện đề án tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP giai đoạn 2021-2030, báo cáo và kiến nghị trung ương chấp thuận nhằm tăng nguồn thu hằng năm của TP, phục vụ chi cho đầu tư phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ.
Thứ tư, rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với việc thực hiện dự án theo hình thức PPP để thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách. Đồng thời, các đơn vị, sở ngành, UBND các quận, huyện, TP cần tích cực rà soát, quy hoạch tạo quỹ đất gắn với các dự án giao thông theo hình thức TOD làm cơ sở kêu gọi đầu tư, tạo nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Thứ năm, đẩy nhanh việc lập, trình duyệt đề án thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển của TP để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT tập trung xây dựng các dự án mà trung ương đầu tư như vành đai 3, vành đai 4, các tuyến cao tốc... để kết nối vùng.
. Xin cám ơn ông.
Ưu tiên đầu tư tuyến đường cửa ngõ Theo ông Trần Quang Lâm, Sở GTVT đã hoàn chỉnh và trình UBND TP Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030. Đề án này cũng đã xác định quan điểm ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh một số tuyến đường cửa ngõ liên quan kết nối vùng như quốc lộ 1, 13, 22, 50, cao tốc... Khi các dự án cửa ngõ, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như các dự án trong “Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP” được xây dựng hoàn thành sẽ giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông; thúc đẩy phát triển khu đô thị vệ tinh, giảm áp lực khu đô thị hiện hữu, thuận lợi cho việc tổ chức giao thông công cộng. |