Không chấp nhận việc né bồi thường

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại nói công an huyện mới phải bồi thường. Pháp Luật TP.HCMxin tiếp tục giới thiệu.

Như đã thông tin trên các số báo trước, tháng 8-1990, ông Nguyễn Văn Thêm (Mười Thêm) bị TAND huyện Hồng Ngự xử phạt 12 tháng tù về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai theo Điều 180 Bộ luật Hình sự năm 1985. Đến tháng 9-1990, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại từ đầu. Lẽ ra phải tích cực điều tra thì công an huyện lại bỏ lửng vụ án. Mãi đến đầu năm 2010, sau khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội yêu cầu xem xét lại vụ án, cơ quan này mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can. Cơ sở pháp lý của việc đình chỉ được căn cứ theo khoản 2B Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: “Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.

Theo Nghị quyết 388/2003, cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã ra quyết định khởi tố bị can có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội. Tòa án cấp sơ thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp đã tuyên bố bị cáo có tội nhưng tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không có tội.

Không chấp nhận việc né bồi thường ảnh 1

Ông Mười Thêm đã bị rất nhiều thiệt hại sau 20 năm mang oan án. Ảnh: HÙNG ANH

Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị tạm giam… mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội.

Trong vụ ông Mười Thêm, đối chiếu việc đình chỉ điều tra như đã nêu với hai văn bản này thì xem ra ông không nằm trong trường hợp được bồi thường oan. Tuy nhiên, do bản chất của vụ việc là ông đã bị xử lý hình sự oan nên các cơ quan pháp luật của huyện Hồng Ngự và tỉnh Đồng Tháp đang xem xét bồi thường oan cho ông. Đây là một thiện chí sửa sai đáng ghi nhận.

Vấn đề còn lại là ai phải bồi thường? Theo công văn gửi cho ông Mười Thêm vào ngày 6-5, chánh án TAND huyện Hồng Ngự cho rằng yêu cầu bồi thường của ông Mười Thêm thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an huyện Hồng Ngự vì nơi này ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự và đình chỉ điều tra bị can. Trong văn bản gửi cho ông Mười Thêm trước đó, một điều tra viên Công an huyện Hồng Ngự lại cho rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong sự việc này thuộc tòa án cấp sơ thẩm bởi bản án sơ thẩm đã bị tòa phúc thẩm tuyên hủy, sau đó phải đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án.

Nhiều ý kiến cho rằng khi vụ án của ông Mười Thêm đã qua giai đoạn xét xử để quay về giai đoạn điều tra thì trách nhiệm bồi thường phải thuộc về công an huyện. Nếu cơ quan này cố tình tránh né việc bồi thường bằng cách nại ra lý do không đúng thực tế thì chẳng lẽ một bộ máy các cơ quan nhà nước từ địa phương đến trung ương lại dễ dàng chấp nhận?

Công an huyện phải bồi thường

Trong vụ án này, cả cơ quan điều tra công an huyện và tòa án huyện đều có lỗi. Thế nhưng cần phải xác định rõ lỗi nào đã làm cho ông Mười Thêm bị kéo vào vòng tố tụng trong 20 năm trời để từ đó quy ra trách nhiệm bồi thường. Đúng là tòa sơ thẩm đã vội vàng kết án ông khi chưa đủ chứng cứ buộc tội và do vậy đã bị hủy án. Nhưng sau đó hồ sơ vụ án đã được chuyển trở lại cho cơ quan điều tra xem xét lại từ đầu nên tòa án huyện đã hết trách nhiệm với vụ án.

Trong giai đoạn điều tra, nếu quá hạn điều tra mà vẫn không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra cần phải ra quyết định nêu rõ bị can “vô tội”. Trường hợp né tránh để làm ngược lại và nay cũng thừa nhận đã xử lý sai thì cơ quan này phải đứng ra bồi thường cho người bị làm oan.

Luật sư TÔ NGỌC MINH TUẤN

Theo luật định, trách nhiệm chứng minh tội phạm là của cơ quan điều tra. Khi đã nhận trở lại hồ sơ vụ án mà vẫn không điều tra ra thì cơ quan này buộc phải có những quyết định phù hợp để giải quyết dứt điểm vụ án theo hướng suy đoán có lợi cho bị can.

Nếu cũng cho rằng ông Mười Thêm đã bị xử lý hình sự oan, đã bị bỏ lơ lửng trong vòng tố tụng với thân phận bị can trong 20 năm thì cơ quan điều tra công an huyện phải thẳng thắn nhìn nhận lỗi của mình và nhanh chóng bồi thường cho ông. Đó mới là cách khắc phục thấu lý đạt tình trước những sơ suất quá lớn đã qua và ắt rằng hoàn toàn nằm ngoài mong muốn của những cán bộ có liên can trong vụ án.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO

HÙNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm