Không để lọt lưới thi hộ, thi thuê


 Hình của thí sinh được in trực tiếp lên giấy báo dự thi Trường ĐH Tài chính - marketing và ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Đáng chú ý, các biện pháp được triển khai đồng loạt cả trước, trong và sau kỳ thi tuyển sinh để đảm bảo một kỳ thi sạch.

Chụp ảnh cho từng thí sinh

"Để phát hiện những trường hợp trúng tuyển do thi hộ, nhà trường đã đưa bài làm của SV trong các bài kiểm tra học phần sau này và bài làm của kỳ thi tuyển sinh đầu vào mang đi giám định. Cơ quan giám định xác nhận nét chữ của hai bài thi khác nhau chính là căn cứ để xác định SV nhờ người thi hộ"

PGS.TS ĐỖ NGỌC CẨN

Vào buổi thi môn cuối của đợt 1 kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 (môn hóa, diễn ra vào sáng 5-7), giám thị ở điểm thi ĐH Phòng cháy chữa cháy đã nghi ngờ một thí sinh không giống với ảnh trong thẻ dự thi nên báo cáo lên hội đồng tuyển sinh. Hội đồng chỉ đạo giám thị cứ để thí sinh làm bài thi bình thường, cuối buổi sẽ xác minh. Chỉ cần một số câu hỏi nghiệp vụ đơn giản đã làm lộ ra người dự thi sinh năm 1981 đi thi thuê cho một thí sinh sinh năm 1995. Trước đó, ở môn thi đầu tiên của khối A, Học viện An ninh nhân dân cũng phát hiện một trường hợp sinh năm 1987 thi hộ thí sinh sinh năm 1995. Cả hai đối tượng thi hộ đều từng là SV các trường ĐH tên tuổi.

Nhưng bất ngờ hơn cả là sau kỳ thi tuyển sinh, số trường hợp thi hộ, thi thuê bị phát hiện còn tăng lên gấp nhiều lần. Tại Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, trường chỉ phát hiện một trường hợp thi thuê, nhưng hậu kiểm sau đó đã truy ra thêm hai SV đang ung dung học năm thứ hai cũng chính là đối tượng trúng tuyển vào trường nhờ có người khác đi thi hộ và làm bài giùm. “Thủ đoạn của thi hộ là dùng ảnh chỉnh sửa để “qua mặt” cả người nhận hồ sơ và giám thị coi thi. Song nếu giám sát, kiểm tra kỹ lưỡng sẽ không để “lọt lưới” được. Thí sinh thi hộ bị phát hiện năm ngoái có tuổi đời lớn hơn thí sinh trong hồ sơ đến cả chục tuổi, nên dù ảnh chỉnh sửa có thể hao hao giống nhau nhưng quan sát kỹ sẽ thấy nghi ngờ ngay”- PGS.TS Đỗ Ngọc Cẩn, hiệu trưởng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, nói.

Theo tiết lộ của các trường, các trường hợp thi thuê, thi hộ chủ yếu ở nhóm thí sinh dự thi khối A nhằm hạn chế tối đa “vết tích” để lại trên bài thi. “Khối A có đến 2/3 môn thi trắc nghiệm, thí sinh làm bài chỉ cần “tích” vào phương án đúng, ít để lại chữ viết”- lãnh đạo một trường công an nhận định.

Không riêng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, một số trường ĐH công an khác cũng phát hiện thêm một số trường hợp thi hộ khi thí sinh trúng tuyển vào trường. Ông Nguyễn Xuân Sinh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật hậu cần công an nhân dân - cho hay công tác hậu kiểm sau kỳ thi đã phát hiện đến gần 10 trường hợp thi hộ mà quá trình coi thi năm 2013, các giám thị không phát hiện. “Thủ đoạn chung của những trường hợp này là dùng ảnh dự thi đã qua chỉnh sửa photoshop cho giống với đối tượng đi thi hộ. Do đó, sau tổng kết tuyển sinh 2013, nhà trường đã kiến nghị Bộ Công an nên quy định việc chụp ảnh được thực hiện tại nơi sơ tuyển chứ không thể để thí sinh tự do mang đến, rất khó kiểm soát” - ông Sinh nói.

Thực tế các năm trước đây, thí sinh dự thi vào các trường công an có thể mang theo ảnh đã chụp sẵn đến nộp. Do đó các trường hợp thi hộ đều có chung một kịch bản: người thi hộ được chọn có ngoại hình hơi giống thí sinh nhờ thi hộ, sau đó ảnh chụp thí sinh nhờ thi hộ sẽ được chỉnh sửa theo hướng “kết hợp” với gương mặt người thi hộ để tạo ra ảnh mới có nét hao hao giống với cả hai.

Để không cho những đối tượng thi hộ lợi dụng việc dùng ảnh chỉnh sửa để gian lận, năm 2014 Bộ Công an đã quy định công an quận, huyện sẽ có trách nhiệm chụp ảnh cho thí sinh dự thi ngay khi sơ tuyển, không cho phép thí sinh dùng ảnh có sẵn để dán vào hồ sơ như trước.

Tăng cường tập huấn “nhận dạng”

Năm 2014, các trường công an tiếp nhận lượng hồ sơ dự thi kỷ lục, lên đến hơn 83.000 thí sinh, tăng hơn 33% so với năm 2013, nên công tác giám sát kỳ thi càng được tăng cường mạnh mẽ.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Bộ Công an, bản thân các trường ĐH công an cũng phải triển khai nhiều biện pháp đi kèm để ngăn ngừa tình trạng thi hộ, đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu giám thị phải đối chiếu kỹ gương mặt thí sinh dự thi với các giấy tờ có dán ảnh thí sinh như giấy chứng nhận sơ tuyển, giấy báo dự thi, chứng minh nhân dân, bằng (giấy chứng nhận) tốt nghiệp THPT.

PGS.TS Đỗ Ngọc Cẩn khẳng định Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy sẽ dành nhiều thời gian của ngày làm thủ tục dự thi (3-7) để sàng lọc, phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ. Các ngày thi tiếp theo, giám thị vẫn phải có trách nhiệm đối chiếu, soát xét kỹ lưỡng. Ông Trần Hồng Quang - trưởng phòng đào tạo Học viện Cảnh sát nhân dân - khẳng định công tác tập huấn giám thị năm nay rất chú ý đến việc tăng cường các phương pháp nhận diện cụ thể, đồng thời nhắc nhở giám thị phải rất tập trung để kiểm tra, đối chiếu từng thí sinh dự thi, đồng thời nhà trường cũng quyết định sẽ tăng cường số lượng thành viên ban thanh tra. “Đặc biệt, trường sẽ mời chuyên gia nghiệp vụ chuyên ngành tập huấn trực tiếp cho giám thị về phương pháp nhận dạng. Các trường hợp có nghi vấn, giám thị sẽ phải báo ngay cho thường trực điểm thi”- ông Quang nói.

Phải tự tay viết và nộp hồ sơ

Ở các trường quân đội, để tránh việc thi thuê, thi hộ, công tác rà soát, đối chiếu ảnh được quán triệt thực hiện ngay từ khâu sơ tuyển. Theo quy định tuyển sinh vào các trường quân đội của Bộ Quốc phòng, ảnh dự thi của thí sinh phải là ảnh mới chụp, không qua chỉnh sửa bằng bất cứ phần mềm chỉnh sửa ảnh nào. Khi sơ tuyển, thí sinh phải tự viết tay hồ sơ tuyển sinh và trực tiếp mang hồ sơ đến nộp, không được nhờ người nộp hộ hồ sơ. Tuy không có quy định cứng về việc chụp ảnh tại chỗ như Bộ Công an, nhưng thực tế nhiều ban tuyển sinh quân sự cấp huyện cũng đã tiến hành việc chụp ảnh tại nơi sơ tuyển cho thí sinh. Ngoài ra sau kỳ thi, khi thí sinh đã nhập học, công tác hậu kiểm vẫn tiếp tục được tiến hành để rà soát, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình gian lận thi cử.

 

Chú ý các thiết bị công nghệ cao

Để phòng chống và kiểm soát việc thi hộ cũng như việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao trong kỳ thi ĐH năm 2014, Trường ĐH Tài chính - marketing đã có một số thay đổi trong việc in giấy báo thi và tập huấn cán bộ coi thi.

ThS Hứa Minh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing - cho biết năm nay giấy báo thi của trường được in dựa trên mẫu của bộ và mẫu nền của trường. Do đó nếu có sự sai lệch cán bộ coi thi có thể nhận biết ngay. Bên cạnh đó, thay vì dán ảnh trên giấy báo thi và đóng dấu treo như mọi năm, năm nay trường chụp lại ảnh trên hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, sau đó scan và in màu thẳng lên giấy báo thi để tránh trường hợp thí sinh tháo ảnh và dán ảnh khác vào.

Trường cũng có các biện pháp kiểm tra chặt hơn đối với các thí sinh nộp nhiều hồ sơ vào nhiều ngành trong cùng một đợt thi. Với các trường hợp này, thanh tra của trường sẽ giám sát tận các phòng thi. Nếu một thí sinh nộp ba hồ sơ, dĩ nhiên sẽ có ba giấy báo dự thi nhưng chỉ có một người đi thi. Trong trường hợp này, nếu có hai thí sinh đi thi thì có thể phát hiện ngay đó là trường hợp thi hộ.

Đối với việc mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, ông Tuấn cho biết tại mỗi điểm thi trường đều bố trí một phòng để giữ đồ cho thí sinh. Trường khuyên thí sinh gửi tư trang ở phòng này. Hiện nay có nhiều thiết bị công nghệ cao có tính năng truyền, phát tín hiệu nên trường đã sưu tầm hình ảnh và tính năng của một số thiết bị phổ biến để chuyển cho các trưởng điểm thi để phổ biến cho giám thị.

Một cán bộ sẽ làm công tác coi thi tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) trong kỳ tuyển sinh năm nay cho biết trong buổi tập huấn, đại diện trường đã nhắc nhở cán bộ coi thi cần lưu ý các trường hợp thí sinh để xõa tóc dài (có thể đeo tai nghe) hoặc sử dụng đồng hồ thông minh để gian lận trong phòng thi.

Ông Hoàng Đức Bình - giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen - cho biết đúng là năm nay có một số thiết bị công nghệ cao như đồng hồ có khả năng truyền phát tín hiệu. Những năm trước trường cũng có khuyến cáo giám thị về các thiết bị này nhưng năm nay phải chú ý hơn. Đối với những thí sinh có dấu hiệu nghi ngờ về nhận dạng (qua hình ảnh đối chiếu), điểm thi đó sẽ lập biên bản và chụp ảnh thí sinh. Mặc dù chứng minh nhân dân là giấy tờ tùy thân đáng tin cậy nhất nhưng có trường hợp thí sinh làm chứng minh nhiều năm trước nên giờ khuôn mặt thay đổi nhìn rất khác.

TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - cho biết toàn bộ hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh đều được scan và lưu vào máy, khi cần truy xuất rất nhanh chóng. TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - nói thêm, với các điểm thi ở các cụm ngoài TP.HCM, hồ sơ gốc của thí sinh cũng sẽ được mang theo để đối chiếu khi cần thiết.

MINH GIẢNG

Theo NGỌC HÀ (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới