Không để quá 1.000 ca nhiễm COVID-19

Tại cuộc họp sáng 27-3 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nhiều lưu ý quan trọng.

Chưa có thêm trường hợp lây đến F2

Phó Thủ tướng cho biết theo thống kê trên thế giới, thời gian trung bình để số ca nhiễm COVID-19 từ 100 lên 1.000 là chín ngày (riêng Nhật Bản là 28 ngày). Đối với Việt Nam, nếu suy luận theo logic đó, ngày 22-3 Việt Nam đã ghi nhận 100 ca nhiễm mới (không tính 16 ca trong giai đoạn 1) thì hết ngày 31-3, khả năng chúng ta có 1.000 ca nhiễm. Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ không có 1.000 ca nhiễm vào thời điểm đó bởi chúng ta có các giải pháp của Việt Nam và đến giờ phút này các giải pháp đó là rất hiệu quả.

“Chúng ta đã và đang kiểm soát tốt các điểm được tạm gọi là ổ dịch, thậm chí tiếp cận những điểm bị coi là ổ dịch tiềm năng để khoanh vùng, dập dịch ngay. Tôi tin nếu chúng ta thực hiện nghiêm các chỉ đạo và khuyến cáo của cơ quan y tế thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thành công như giai đoạn 1 và phải quyết tâm để không có đến 1.000 ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Quản lý chặt chẽ tuyến biên giới phía nam

Về công tác xuất nhập cảnh, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho biết trong những ngày gần đây đã kiểm soát rất tốt việc xuất nhập cảnh qua đường hàng không. Tuy nhiên, ở tuyến biên giới đường bộ với Lào, Campuchia người nhập cảnh rất nhiều (hơn 25.000 người), việc kiểm soát biên giới gặp nhiều khó khăn, do đó cần phải quyết liệt.

Bộ Quốc phòng cũng đã tổ chức rút kinh nghiệm, xây dựng quy chế quản lý khu cách ly tập trung, đặc biệt là quản lý những công dân chấp hành không nghiêm quy định về cách ly y tế.

Dự kiến thời gian tới công dân Việt Nam từ Lào, Campuchia về sẽ tiếp tục tăng, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 5, 7, 9 và các tỉnh biên giới chuẩn bị những điều kiện sẵn sàng cách ly.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nghe lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo. Ảnh: VGP

Giao công an quản lý khu cách ly tập trung dân sự

Nhận định trong giai đoạn này, việc cách ly tập trung dân sự tại địa phương sẽ dần trở nên phổ biến, Ban Chỉ đạo thảo luận và thống nhất giao cho lực lượng công an điều hành các khu cách ly dân sự; chỉ đạo là chủ tịch UBND địa phương; cơ quan y tế chịu trách nhiệm bảo đảm về y tế; bảo đảm hậu cần cũng giao công an chủ trì, cơ chế ngân sách cũng thực hiện như quân đội.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an xây dựng, ban hành quy chế mẫu quản lý các khu cách ly tập trung dân sự, trong đó xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, lực lượng y tế, công an.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương quán triệt, thực hiện quyết liệt yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài, đến bệnh viện; chỉ đạo công an phối hợp chặt chẽ với y tế cơ sở để theo dõi sức khỏe của người dân trên địa bàn.

Hàng vạn người từng đến BV Bạch Mai phải cách ly tại nhà

Chiều 27-3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu phải thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà đối với hàng vạn người.

Đó là bệnh nhân xuất viện, người nhà chăm sóc, người điều trị ngoại trú tại BV Bạch Mai…

“1.592 bệnh nhân điều trị ngoại trú của BV Bạch Mai từ ngày 10-3 và các trường hợp chăm sóc các bệnh nhân này cũng phải cách ly tại nhà. Cảnh báo đến cả người trông xe, tài xế taxi, cung ứng thực phẩm, vận chuyển thuốc… Phải làm triệt để, lơ là sẽ dễ xảy ra lây nhiễm” - ông Chung lưu ý.

Chủ tịch Hà Nội nêu rõ bài học xử lý ổ dịch ở 125 Trúc Bạch, BV Hồng Ngọc… và yêu cầu các địa phương cần nghiên cứu để áp dụng như kinh nghiệm cách ly một tầng ở tòa nhà, khử khuẩn thang máy, môi trường, đo thân nhiệt thường xuyên; không nhất thiết phải cách ly cả tòa nhà…

“Đảm bảo nguyên tắc không chờ quyết định công bố dương tính của Bộ Y tế. TP chủ động nâng cao hơn một mức, có xét nghiệm dương tính ban đầu thì phải ngay lập tức xác định rõ F1, F2, tổ chức cách ly ngay. Nếu không phản ứng nhanh, chờ 1-2 ngày thì con số sẽ nhân lên khó lường” - ông nhấn mạnh. 

________________________________________

Về tổ chức xét nghiệm phát hiện các trường hợp nghi ngờ, đến giờ phút này Việt Nam chưa sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh mà đang sử dụng bộ sinh phẩm xét nghiệm (test kit) do Học viện Quân y sản xuất, đã được các cơ quan quản lý, khoa học trong nước và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận.

Ban chỉ đạo giao lực lượng y tế cơ sở tiếp tục nắm bắt trường hợp nghi ngờ, hướng dẫn phân loại những người mắc bệnh nền, người già yếu, yếu thế… để theo dõi, giám sát sức khỏe tại nhà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm