Nhìn qua tổng thể các KCN - khu chế xuất (KCX) tại TP.HCM, chúng ta thấy chủ yếu phát triển theo số lượng - nghĩa là quản lý theo các tiêu chí: quy mô quỹ đất, tỉ lệ lấp đầy, số dự án đầu tư và tổng vốn đầu tư; kết quả sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, điều mà TP.HCM thật sự cần đó là chuyển dịch sang hướng phát triển theo chất lượng, tức là quản lý theo các tiêu chí: trình độ công nghệ, hiệu quả sử dụng đất KCN, năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương có KCN.
Thực trạng trên xuất phát từ nhu cầu phát triển nóng của nền công nghiệp thời kỳ đầu, nhằm đáp ứng nhu cầu tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đảm bảo đủ các điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu và hướng tới thu hút nhiều ngành nghề đa dạng. Thực tế, ngành công nghiệp TP cũng từng gặt hái nhiều “trái ngọt” trong nhiều thập niên trước.
Hiện nay, sự phát triển của nền kinh tế hiện đại đòi hỏi hoạt động sản xuất cần chuyên môn hóa. Theo đó, các KCN phải phát triển theo hướng chuyên ngành, dành riêng cho một ngành nghề hoặc một nhóm ngành nghề. Mục đích là để đáp ứng những nhu cầu đặc thù của doanh nghiệp và phát triển bền vững, đảm bảo tính hiện đại, cạnh tranh và bắt kịp tiến trình cách mạng công nghiệp 4.0.
Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chín muồi để TP.HCM bắt tay vào chuyển đổi mô hình hoạt động của KCN-KCX. Việc chọn thí điểm chuyển đổi KCX Tân Thuận và các KCN là bước đi rất cần thiết, cấp bách. Việc này mang ý nghĩa lớn cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp và kinh tế của TP.HCM cũng như cho cả khu vực vùng kinh tế phía Nam và cả nước.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đang trở thành những “bệ phóng” lý tưởng, hình thái KCN trong tương lai phải hội tụ các yếu tố tạo động lực tăng trưởng: công nghiệp xanh, bền vững; doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo; vườn ươm doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và cách tiếp cận mang tính tổng thể liên kết vùng.
Việc chuyển đổi thành công mô hình KCN-KCX tại TP kỳ vọng là công cụ chính sách thông qua thu hút đầu tư, thúc đẩy học hỏi, nâng cấp và đổi mới công nghệ; đồng thời tạo ra việc làm ổn định cho hàng triệu người dân, góp phần chuyển đổi hiệu quả mô hình tăng trưởng kinh tế TP.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thể chế chính sách chưa thể trở thành những công cụ hữu hiệu hỗ trợ phát triển công nghiệp, để thực hiện việc chuyển đổi thành công, việc lập ra lộ trình khả thi để tiến hành chuyển đổi từng bước mô hình hoạt động là rất quan trọng. Trong đó, chúng ta cần lưu ý phải tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng, bao gồm thực trạng hoạt động, trình độ công nghệ, trình độ nguồn nhân lực, năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong từng KCN cần chuyển đổi.
Từ đó, cần tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia từ doanh nghiệp trong KCN về định hướng phát triển, đảm bảo tính khách quan và phù hợp với đặc điểm hoạt động, vị trí địa lý, tiềm năng, lợi thế và phù hợp với tổng thể phát triển chính sách công nghiệp TP trong thời gian tới. Từng bước nhịp nhàng, vừa thí điểm vừa rút kinh nghiệm rồi nhân rộng mô hình hợp lý, hiệu quả nhất. Không để vụt mất thời cơ!