Không được hoàn thuế VAT cả chục tỉ, phải vay lãi cao trên 10%

(PLO)- Theo khảo sát của hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, do thời gian xác minh hóa đơn và nguồn gốc hàng hóa mua vào rất lâu, ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã khảo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) quý I, II và vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM, Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

62% doanh nghiệp giảm lợi nhuận

Các khảo sát cho thấy DN có doanh thu giảm chiếm 51%, số DN có lợi nhuận giảm chiếm 62%, sản phẩm, hàng hóa tồn kho tăng lên 41%.

Qua đó, cho thấy hầu hết các DN đang kinh doanh không thuận lợi và những quý tiếp theo vẫn rất khó khăn, thậm chí có đến 30% DN đánh giá tình hình kinh doanh quý tiếp theo tiếp tục giảm.

Theo HUBA, trong sáu tháng đầu năm chính quyền Thành phố tích cực tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các buổi làm việc với cộng đồng DN nhưng khó khăn chung của thị trường từ đầu năm vẫn chưa giải quyết hết.

Việc thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, việc chậm thực hiện các dự án bất động sản vẫn đang diễn ra.

Những khó khăn kéo dài tác động tiêu cực đến niềm tin thị trường của cộng đồng DN cần thời gian để đón nhận tác động tích cực từ chính sách hỗ trợ của Trung ương cũng như hiệu quả trong thực thi công vụ của hệ thống chính quyền Thành phố.

Không được hoàn thuế VAT cả chục tỉ, phải vay lãi cao trên 10% ảnh 1

Trong quý II ngành lương thực thực phẩm tăng trưởng tốt. ẢNH: TÚ UYÊN

41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn

Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, Hiệp hội tiếp tục đề xuất một số kiến nghị. Thứ nhất về vốn kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023 đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, DN gặp nhiều khó khăn do lãi suất vay hiện nay hầu hết trên 10%/năm.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay đây là chi phí vay rất cao. DN đề nghị Ngân hàng nhà nước tìm cách giảm lãi suất vay về mức phù hợp dưới 8%, bằng cách giảm lãi suất tiền gửi, giảm chi phí vay và khống chế tỉ suất lợi nhuận ròng của ngân hàng thương mại về 3%.

Bên cạnh đó, dù ngân hàng có nhiều vốn cho vay nhưng nhiều DN không thể tiếp cận do không đảm bảo yêu cầu về thế chấp tài sản.

Cụ thể, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng…Theo đó, có đến 41% DN khảo sát đã không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn.

Vì vậy, ngân hàng nên xem xét tăng tỉ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện cho vay tín chấp hoặc mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai.

Hơn nữa, DN vay vốn không chỉ cho nhu cầu đầu tư mới mà còn để thanh toán các khoản vay cũ đã đến hạn.

Vì vậy, chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ. Theo đó, DN gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay cho việc phải trả ngay khi hết gia hạn làm gấp lên hai lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo. Điều này gây khó khăn kép cho DN như thời gian vừa qua.

Về chính sách thuế, thời gian qua nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng còn nhiều vấn đề DN kiến nghị cần giải quyết triệt để.

Cụ thể, nhiều DN than phiền không được hoàn thuế VAT từ vài năm nay với số tiền từ vài tỉ đồng đến hàng chục tỉ đồng do thời gian xác minh hóa đơn và nguồn gốc hàng hóa mua vào rất lâu, ảnh hưởng đến dòng tiền của DN.

Do đó, DN mong cơ quan thuế có chính sách hỗ trợ, hoàn thuế nhanh để DN có vốn kinh doanh, trả lương cho người lao động.

Về cải cách thủ tục hành chính, kết quả khảo sát của Hiệp hội cho thấy các cơ quan quản lý (CQQL) đất đai, xây dựng tại quận, huyện, phường xã bị đánh giá thiếu tích cực.

Chỉ có 46% DN cho rằng CQQL tích cực hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, trong khi đó 40% cho rằng thiếu quan tâm để DN tự xoay xở, 25% cho rằng CQLL né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

23% DN cho rằng CQQL thường e dè, sợ trách nhiệm. Đây thực sự là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm