ỨNG CỬ VIÊN ĐẠI BIỂU HĐND TP.HCM PHẠM QUỐC BẢO:

‘Không gì bức xúc bằng cắt điện ngang xương’

“Chúng tôi đang hoàn thiện hệ thống lưới điện thông minh để hệ thống điện sẽ tự chuyển tiếp nhằm hạn chế tối đa tình trạng mất điện, kể cả khi thi công lưới điện”. Ông Phạm Quốc Bảo (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) - ứng cử viên đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021 (đơn vị bầu cử số 32, huyện Cần Giờ), nhấn mạnh với Pháp Luật TP.HCM.

Ngồi nhà vẫn được gắn điện kế trong ngày

. Phóng viên: Ông có thể cho biết những thành quả của ngành điện TP.HCM đạt được trong thời gian vừa qua?

+ Ông Phạm Quốc Bảo: Điểm nổi bật là chất lượng điện năng cung cấp, tức số lần mất điện bình quân của khách hàng đã được giảm mạnh. Ngay cả đợt cao điểm nắng nóng đang diễn ra, nhu cầu sử dụng điện tăng cao nhưng ngành điện TP.HCM vẫn đảm bảo cung ứng điện và không để xảy ra cắt điện do thiếu điện.

Tính bình quân, năm nay số lần mất điện (kể cả mất điện do sự cố) của một khách hàng là năm lần với tổng thời gian mất điện khoảng 500 phút. Chỉ số này nằm ở mức bình thường của Đông Nam Á. Tuy vậy, chúng tôi đặt mục tiêu năm 2020 chỉ số mất điện của một khách hàng còn không quá 1,5 lần/năm với tổng thời gian mất điện dưới 150 phút/năm.

Ngoài ra, EVN HCMC cũng thực hiện nhiều biện pháp để khách hàng dễ dàng tiếp cận điện năng. Theo đó, chúng tôi đang thí điểm gắn điện kế trong ngày ở một số điện lực khu vực. Dự kiến năm 2017, EVN HCMC tổ chức gắn điện kế một pha, ba pha trong vòng một ngày. Hồ sơ thủ tục cũng được đơn giản tối đa và chỉ cần khách hàng có nhu cầu điện thoại đến tổng đài (1900545454) đặt yêu cầu sẽ được nhân viên ngành điện đến tận nơi giải quyết.

. Công tác vận hành, điều độ điện được thực hiện như thế nào để hạn chế tình trạng cắt điện trong mùa khô, thưa ông?

+ Trong những tháng mùa khô đầu năm nay nóng đều và mùa mưa đến trễ nên nhu cầu sử dụng điện tăng 13%-14%, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 5%-6%. Đây là mức tăng cao trong vòng năm, sáu năm gần đây nhưng EVN HCMC vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện vì đảm bảo nguồn điện dự phòng khoảng 30%-40%. Ví dụ, tổng công suất cao nhất ngày 13-5 là 3.930 MW, trong khi lưới điện có khả năng cung ứng ở mức 5.000-6.000 MW. Một số lưới khu vực có thể bị quá tải cục bộ, dẫn đến sự cố và chúng tôi luôn thường xuyên rà soát, điều chỉnh để giảm thiểu sự cố.

Ông Phạm Quốc Bảo trao quà cho các hộ nghèo ở huyện Cần Giờ (TP.HCM). Ảnh: CTV

Giảm tối đa cắt điện

. Ngành điện giải quyết thế nào trước phản ánh của người dân về tình trạng “đầu nậu” cung cấp điện hưởng giá chênh lệch được?

+ Khách hàng có nhu cầu, chỉ cần có sổ đăng ký tạm trú có xác nhận của địa phương là được gắn đồng hồ điện. Vì vậy, ở các khu vực bình thường không có tình trạng “đầu nậu” cung cấp điện. Nếu có, nó xảy ra ở các khu dân cư tự phát nhưng nguyên nhân không phải xuất phát từ ngành điện mà là do công tác quản lý quy hoạch, các địa phương không cho phép gắn điện. Đối với dạng câu móc phía sau điện kế thì ngành điện sẽ phối hợp với các địa phương để giải quyết ngay.

Lâu nay chương trình cấp điện cho công nhân, sinh viên được điện lực thực hiện rất tốt và đã có hơn 1 triệu khách hàng thuộc nhóm này được sử dụng điện theo giá định mức.

. Ngành điện TP.HCM đã làm gì để phục vụ tốt nhất cho người dân trong việc tính và thu tiền điện, thưa ông?

+ Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ không thu tiền điện tại nhà khách hàng nữa. Ngoài ra, chúng tôi đang thực hiện đo đếm điện từ xa và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ thực hiện việc đo đếm điện từ xa đối với tất cả khách hàng. Khi đó, khách hàng có thể kiểm tra, kiểm soát và chủ động được lượng điện tiêu thụ của mình.

Chúng tôi cũng đặt ra quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh của khách hàng. Thông qua phần mềm, khi có khách hàng phản ánh thì tổng giám đốc, phó tổng giám đốc kinh doanh của EVN HCMC và giám đốc điện lực khu vực đều biết. Các phản ánh, khiếu nại không che giấu được nên chất lượng phục vụ khách hàng được nâng cao.

. Là phó tổng giám đốc EVN HCMC của một ngành phục vụ người dân một đô thị lớn như ở TP.HCM thì việc tham gia ứng cử viên HĐND TP, ông có cảm thấy áp lực?

+ Áp lực là phải có vì ngành điện được xác định là ngành dịch vụ khách hàng. Do vậy, chúng tôi đặt ra nhiều yêu cầu như cải tiến tối đa thủ tục để người dân cần là được phục vụ ngay và nâng cao chất lượng điện năng. Không có gì bức xúc bằng việc đang xài điện mà cắt ngang xương.

Hiện nay, EVN HCMC đang thực hiện nhiều giải pháp để giảm tối đa việc cắt điện, kể cả cúp điện do sự cố và đặt mục tiêu đến năm 2018 người dân sẽ không bị mất điện. Theo quy định, thời gian khắc phục khi xảy ra sự cố tối đa là hai giờ nhưng chúng tôi đặt mục tiêu dưới 75 phút.

Ngoài ra, EVN HCMC cũng đang đẩy mạnh thực hiện thị trường điện cạnh tranh để người dân có thể lựa chọn đơn vị cung cấp tốt và giá rẻ nhất.

. Xin cám ơn ông.

. Thưa ông, EVN HCMC có những giải pháp gì để giảm thiểu tỉ lệ tổn thất điện năng?

+ Trước đây tổn thất cao là do hệ thống lưới điện chưa hoàn chỉnh và do tình trạng ăn cắp điện. Sau này khi đã chuẩn mực hết rồi thì tổn thất tối thiểu (tổn thất kỹ thuật) vẫn phải có.

Hiện mức tổn thất điện năng ở TP.HCM là thấp nhất cả nước và khá so với khu vực Đông Nam Á. Năm nay TP.HCM đặt chỉ tiêu tỉ lệ tổn thất điện năng còn 4,55% (cả nước là dưới 7,5%). Mục tiêu cả nước đến năm 2020 phấn đấu tỉ lệ này còn dưới 6,5% nhưng điện lực TP.HCM sẽ còn dưới 3,5%.

Ông Phạm Quốc Bảo sinh năm 1966 tại Bình Định. Ông tốt nghiệp thạc sĩ kỹ thuật điện, thạc sĩ quản trị kinh doanh và cao cấp lý luận chính trị. Ông hiện là phó tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM. Quá trính công tác, ông đã được tặng thưởng huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba trong năm 2013, 2008.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm