Không nên nặng nề chuyện “chính chủ”

Ở Mỹ, bạn được sở hữu một chiếc xe khi mua tại đại lý (xe mới), mua lại từ người khác hoặc được tặng cho, thừa kế (xe đã sử dụng).

Ngoại trừ việc mua xe mới, các thủ tục để sở hữu một chiếc xe cũ tương đối giống nhau, đó là bạn và người bán phải điền vào mẫu mua bán xe (theo từng bang) rồi nộp cho cơ quan chức năng trong vòng 30 ngày. Trong mẫu đấy sẽ có tên người mua, người bán và các thông tin về chiếc xe (hãng, loại xe, đời xe, tình trạng chiếc xe…). Sau đó, cả hai sẽ đến một cơ quan thuế bất kỳ để nộp thuế kèm theo điều kiện bạn phải có đầy đủ các giấy tờ tối thiểu để sử dụng một chiếc xe như bằng lái, bảo hiểm, đăng kiểm… Tiền thuế sẽ khác theo từng bang và tùy theo các giao dịch. Nếu mua ở đại lý, bạn phải chịu mức thuế 6,25% giá trị chiếc xe (bang Texas). Nếu mua lại của người nào đó, mức thuế có thể thấp hơn; nếu được tặng bạn chỉ mất 10 đôla và nếu bạn chuyển quyền sở hữu cho người thân trong gia đình thì được miễn thuế. Vài ngày sau, tên bạn được ghi trên giấy đăng ký xe.

Không nên nặng nề chuyện “chính chủ” ảnh 1

Cảnh sát nước ngoài kiểm tra giấy tờ xe một người điều khiển ô tô. Ảnh: INTERNET

Khi lưu thông, lúc nào xe bạn cũng phải có những giấy tờ bắt buộc như bằng lái xe (tên bạn), giấy đăng ký xe (không quan trọng tên bạn hay tên ai), bảo hiểm, chứng nhận đăng kiểm. Khi cảnh sát yêu cầu bạn dừng lại, bạn phải tuyệt đối ngồi yên trên xe để chờ cảnh sát kiểm tra thông tin xe. Từ biển số xe, cảnh sát có thể dễ dàng xác định ngay chủ sở hữu, xe đã từng bị/gây tai nạn, hãng, đời xe… Khi chắc chắn xe bạn không có liên quan đến những tội phạm nguy hiểm thì cảnh sát sẽ cho bạn đi hoàn toàn vô điều kiện. Cảnh sát chỉ có thể bắt giữ bạn hoặc giữ xe bạn khi nghi ngờ đó là xe ăn cắp. Đó là khi bạn không mang giấy đăng ký xe hoặc khi hệ thống kiểm tra báo rằng xe bạn lái đã được người chủ thông báo với cảnh sát về việc xe bị mất cắp.

Trong trường hợp bạn mượn xe rồi gây tai nạn, bỏ trốn, người đầu tiên cảnh sát tìm đến đó là chủ sở hữu của chiếc xe. Nếu có bằng chứng ngoại phạm, người chủ sẽ không bị bắt hoặc bị phạt nhưng phải làm tất cả thủ tục cần thiết: liên hệ với công ty bảo hiểm để sửa chữa xe mình và xe nạn nhân (nếu có), chi trả các khoản bảo hiểm… Vì vậy, việc sang tên đổi chủ là quyền lợi của người chủ xe. Để tránh mọi phiền toái (cho chủ xe và người mượn), mọi người rất hạn chế mượn xe nhau.

 (Ghi theo lời anh  Alex Định Trương, người Mỹ gốc Việt tại bang Texas, Mỹ)

NGUYỄN DÂN

Phải cấm CSGT ra đường phạt xe không “chính chủ”

Dù việc phạt hành vi không sang tên xe đã được quy định từ năm 1995 và đến giờ tiếp tục được quy định trong Nghị định 71/2012 nhưng quy định này vẫn gặp phải nhiều phản ứng trong dư luận. Không hẳn vì mức phạt cao mà là cách thức kiểm tra, xử phạt của CSGT có thể gây ra lắm phiền hà cho dân.

Theo thông tin từ công an của nhiều địa phương mà báo chí đã đăng tải thì không có việc CSGT dừng xe để kiểm tra, xử phạt hành vi không sang tên. Trước giờ và tới đây, lực lượng này chỉ kiểm tra các loại giấy tờ mà Luật Giao thông đường bộ yêu cầu người điều khiển xe bắt buộc phải mang theo, trong đó giấy đăng ký xe ai đứng tên cũng được. Lỗi không sang tên xe sẽ được phát hiện ở đơn vị đăng ký xe khi người dân đến đăng ký quá hạn và người ra quyết định xử phạt là trưởng công an cấp huyện (tỉnh), trưởng phòng CSGT… Ngoài ra, lỗi này còn được phát hiện trong các vụ vi phạm luật giao thông ở mức nghiêm trọng hoặc trong các vụ án hình sự, khi mà giấy đăng ký và chiếc xe được đưa về trụ sở. Gần đây nhất, khi báo chí đánh động những hệ lụy của việc CSGT bạ đâu phạt đó thì Bộ Công an cũng cho biết “đã có công điện chỉ đạo chưa xử phạt người điều khiển xe mang tên người khác”.

Thế nhưng thực tế cho thấy nhiều nơi làm không đúng như thế. Như ở Thái Nguyên, vừa có một trường hợp bị CSGT lập biên bản về nhiều lỗi vi phạm giao thông, trong đó có lỗi “không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu xe”. Vậy là CSGT nơi này đã có việc hạch hỏi, tra xét xe của ai, ở đâu mà có… và chắc chắn người điều khiển xe đó đã phải vất vả, mệt mỏi với việc trình bày nguồn gốc chiếc xe. Điều gì sẽ xảy ra nếu việc kiểm tra “lung tung" như thế vẫn cứ tiếp diễn ở đâu đó? E rằng sẽ có hàng ngàn, hàng triệu người “loạng choạng” lái xe ra đường do phải lo đối phó với việc chứng minh xuất xứ của chiếc xe. Để rồi tưởng là xử phạt để duy trì, giữ gìn trật tự an toàn giao thông nhưng hóa ra chính CSGT lại làm cho tình hình trở nên rối rắm hơn.

Theo tôi, CSGT chỉ nên xem xét, xử lý các hành vi vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, chạy lấn tuyến, chạy quá tốc độ… Việc bắt lỗi “không sang tên xe” là việc của lực lượng công an “ở nhà” và nếu được thì nên là của một cơ quan hành chính nào đó do Chính phủ quyết định. Trước mắt, Bộ Công an cần có ngay văn bản công bố công khai điều này, đảm bảo tính hợp lý, không gây xáo trộn đời sống của dân (chứ không phải là văn bản mật như đã làm vừa qua) để người dân có điều kiện giám sát đúng, sai. Dứt khoát bộ này phải chấm dứt việc CSGT ra đường hành dân để truy tìm xe không chính chủ.

LÊ VĂN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm