TỪ VIỆC CẢNH SÁT XỬ PHẠT CŨNG KÊU KHÓ:

Phạt nặng là cần thiết, nhưng...

Bởi đơn giản, một khi hiểu rằng việc làm của mình có thể khiến mình bị trả giá bằng sự câu thúc đối với thân thể, sự hạn chế đối với một số quyền tự do cá nhân và sự mất mát to lớn về tài sản, thì tự nhiên người ta sẽ cố tránh, không làm để khỏi bị phạt.

Ở nhiều nước, nhà chức trách đã áp dụng cách quản lý này và thành công. Hẳn một phần cũng từ kinh nghiệm đó mà các nhà quản lý ở nước ta đã ra nghị định 71, nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông công cộng lên rất cao so với thu nhập trung bình của người dân.

Còn hơi sớm để đánh giá hiệu quả của giải pháp. Nhưng trước mắt có một hiện tượng rất đáng chú ý là số phương tiện bị tạm giữ do áp dụng chế độ xử phạt mới đột ngột tăng nhanh, trong khi hệ thống kho bãi phục vụ việc bảo quản phương tiện chưa kịp được mở rộng, dẫn đến quá tải. Điều kiện tạm giữ không tốt chắc chắn sẽ khiến các phương tiện có nguy cơ xuống cấp, giảm sút giá trị và dễ hư hỏng.

Ở các nước, trong trường hợp vi phạm pháp luật giao thông thì ngoài các chế tài đã được quy định trong luật, người vi phạm không phải chịu một tổn thất nào khác. Nếu phương tiện đi lại bị tạm giữ, tất nhiên người vi phạm phải chịu luôn phí tổn tạm giữ; nhưng đổi lại, phương tiện được trông giữ trong cùng những điều kiện như khi người ta giao kết một hợp đồng gửi giữ bình thường trong cuộc sống dân sự. Điều đó có nghĩa là nếu phương tiện bị hư hỏng trong thời gian tạm giữ thì cơ quan trông giữ, nghĩa là nhà chức trách, phải bồi thường thiệt hại.

Vả lại, mức phạt nặng ở các nước thường được lý giải như một thái độ ứng xử nghiêm khắc mà nhà chức trách, xã hội dành cho người vi phạm trong điều kiện hạ tầng đi lại được xây dựng tốt và được thiết kế hợp lý, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại một cách thỏa đáng trong trường hợp bình thường. Đã được tạo điều kiện thuận lợi để đi lại đúng luật mà không chịu hợp tác để đi cho đàng hoàng thì bị phạt nặng là xứng đáng.

Ở nước ta, hạ tầng giao thông còn lạc hậu, yếu kém. Việc đi lại trên đường công cộng theo đúng quy định của pháp luật trong không ít trường hợp đòi hỏi quá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Tất nhiên, không thể lấy điều đó để biện minh cho thái độ không tôn trọng luật pháp. Nhưng chắc chắn so với một người phạm luật trong một không gian giao thông được tổ chức tốt và đủ tiện nghi hiện đại, người phạm Luật giao thông ở nước ta dễ có cảm giác không được đối xử một cách sòng phẳng khi bị phạt nặng.

Bức xúc đó, cộng thêm nỗi lo thiệt hại do phương tiện đi lại của mình xuống cấp trong quá trình tạm giữ có thể khiến người ta có những tính toán, xoay xở tìm đối sách nhằm giảm thiểu mất mát. Một trong những cách đó là kín đáo thương lượng với người có thẩm quyền xử phạt về việc xử lý vụ việc cho êm xuôi mà không cần ghi chép vào sổ sách chính thức, gọi nôm na là đi cửa sau.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm