CSGT phạt xe không chính chủ: Sai thẩm quyền

Tôi cho rằng quy định về việc CSGT có quyền xử phạt người sử dụng xe không chính chủ là không đúng chuyên môn, thẩm quyền của lực lượng này.

Phát sinh nhiều hệ lụy

Khoản 8 Điều 1 Nghị định 71/2012 quy định phạt tiền từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng (với mô tô, xe máy) và 6-10 triệu đồng (với ô tô các loại) đối với lỗi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”. Theo tôi, quy định này được hiểu là khi thực hiện các giao dịch chuyển quyền sở hữu (mua bán, tặng cho, trao đổi, thừa kế, hứa thưởng, khuyến mãi…) mô tô, xe máy, ô tô các loại thì các bên cần phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu từ bên giao sang bên nhận.

Nếu người đi xe là người nhận chuyển nhượng mà không sang tên thì việc xử phạt là đúng. Nhưng thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm này không phải của CSGT. Thẩm quyền và chức trách của CSGT là tuần tra, giám sát và thực thi việc tuân thủ luật giao thông đường bộ. Còn việc sang tên, đổi chủ, nộp thuế… thuộc điều chỉnh của pháp luật dân sự, pháp luật thuế, lệ phí. Thẩm quyền thực thi pháp luật trong lĩnh vực này thuộc về cơ quan đăng ký xe và cơ quan thuế.

Việc CSGT yêu cầu người đi xe phải chứng minh về nguồn gốc, lai lịch của chiếc xe vừa không đúng bản chất của quan hệ pháp luật cần điều chỉnh, vừa không đúng thẩm quyền của CSGT, vừa trao thêm những gánh nặng không thích hợp cho lực lượng này. Hơn nữa, làm như vậy sẽ gây bất ổn trong xã hội bởi mỗi lần người ta thuê, mượn xe phải có công chứng, hay phải mang theo hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, bản khai lý lịch… Cũng sẽ có trường hợp người ta rất khó chứng minh quan hệ với người cho mượn xe bằng một vài loại giấy tờ như đã nêu, nhất là khi mượn xe của ông bà nội, ngoại, đi nhờ xe của cha, mẹ, anh, chị, em bên vợ hay bên chồng, những người họ hàng xa, mượn xe của đồng nghiệp hay bạn bè.

Bị lập biên bản vì không chứng minh được việc mượn xe

Ngày 14-11, một lãnh đạo Đội CSGT Công an TP Thái Nguyên cho biết đơn vị này vừa lập biên bản một cá nhân vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Tại biên bản do Thượng sĩ Lưu Thị Hải Yến lập (ảnh) nêu rõ ngày 13-11, anh Mai Thành Nam (Hạ Long, Quảng Ninh) điều khiển xe SH 14H…0168 trên địa bàn TP Thái Nguyên không đội mũ bảo hiểm, xe không có gương chiếu hậu. Lực lượng CSGT còn phát hiện xe do Nam điều khiển không chuyển quyền sở hữu phương tiện.

CSGT TP Thái Nguyên đã lập biên bản về ba lỗi: Không đội mũ bảo hiểm (phạt 100.000-200.000 đồng), không có gương chiếu hậu (300.000-500.000 đồng) và xe không chuyển quyền sở hữu phương tiện (800.000-1,2 triệu đồng). Anh Nam bị tạm giữ giấy phép lái xe và ngày 22-11 phải đến Đội CSGT Công an TP Thái Nguyên để giải quyết.

CSGT phạt xe không chính chủ: Sai thẩm quyền ảnh 1

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đội trưởng Đội CSGT TP Thái Nguyên Lý Minh Hùng cho biết việc lập biên bản lỗi không chuyển quyền sở hữu phương tiện là do anh Nam không chứng minh được việc mượn xe. “Tới đây, nếu anh Nam có các giấy tờ chứng minh là xe đi mượn thì chúng tôi sẽ không xử phạt” - ông Hùng nói.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, cho biết sẽ kiểm tra lại vụ việc trên. Nếu lái xe thừa nhận mua bán nhưng chưa sang tên đổi chủ thì bị phạt là đúng. Còn nếu họ nói là xe mượn mà CSGT vẫn bắt phải chứng minh rồi lập biên bản xử phạt là sai.

THÀNH VĂN

Theo tôi, việc chứng minh xe mượn, xe thuê của người khác sẽ gây ra phiền toái cho cả CSGT lẫn người đi xe mà không mang lại hiệu quả cần thiết cho quản lý hành chính và thu thuế. Hơn nữa, nếu việc này làm không khéo thì sẽ phát sinh nhiều hệ lụy: hàng triệu người phải chuẩn bị nhiều giấy tờ hơn để đối phó; hoặc có thể dẫn đến tình trạng gia tăng đột biến số lượng xe cá nhân.

CSGT cũng khó xử

Ngoài ra, việc CSGT yêu cầu người đi xe xuất trình các loại giấy tờ để chứng minh quan hệ với người cho thuê, cho mượn là không khả thi.

Mọi cá nhân có quyền tự do sử dụng phương tiện giao thông mà mình có quyền sử dụng hợp pháp. Người có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản, kể cả phương tiện giao thông đường bộ, là chủ sở hữu xe, người thuê xe, người mượn xe, người nhận cầm cố, người cầm giữ, gửi giữ, ủy quyền quản lý xe có kèm theo quyền sử dụng xe. Theo quy định của pháp luật, những giao dịch này không bắt buộc phải làm bằng văn bản hay văn bản có công chứng, chứng thực. Do đó, người đi xe chỉ cần xuất trình bản chính giấy chủ quyền xe là đủ.

Nếu bắt buộc người đi xe xuất trình thêm văn bản cho mượn, cho thuê… xe cũng có thể chấp nhận được. Nhưng văn bản này vì không có công chứng nên việc tạo ra để đối phó với lực lượng CSGT là không khó, CSGT cũng không thể chứng minh được tính xác thực của tờ giấy này.

Ngược lại, nếu buộc các loại giấy tờ thuê, mượn xe đều phải công chứng thì trái với pháp luật và không đúng thẩm quyền của CSGT. Làm như vậy là đặt CSGT vào tình trạng phạm luật và khó xử.

Theo tôi, có một số biện pháp kiểm tra xe không chính chủ mà không cần đến lực lượng CSGT. Cụ thể:

- Thông qua việc đăng ký xe: cần làm nghiêm về việc đăng ký xe và cả nước cần có cơ sở dữ liệu điện tử để tiện tra cứu, xác định chủ sở hữu xe.

- Thông qua việc đăng kiểm xe hằng năm: Pháp luật cần quy định đăng kiểm định kỳ phải đối chiếu chính chủ... trừ trường hợp xe của tổ chức hoặc chủ sở hữu có lý do chính đáng khi không thể tự mình đến làm thủ tục đăng kiểm được.

- Thông qua việc giải quyết bồi thường khi gây tai nạn: Theo nguyên tắc khi làm bồi thường nếu xảy ra tai nạn thì chủ cũ phải đến làm thủ tục. Trường hợp người cho mượn, cho thuê, bị người khác chiếm đoạt xe trái pháp luật thì phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại.

Ngoài ra, để khuyến khích người dân đăng ký, sang tên thì cần đơn giản hóa thủ tục đăng ký hơn nữa, giảm thuế và phí trước bạ từ lần chuyển nhượng thứ hai…

TS LÊ MINH HÙNG, Trưởng bộ môn Luật dân sự ĐH Luật TP.HCM,

HỒNG TÚ ghi

Sẽ không hợp lý nếu buộc người điều khiển phương tiện xuất trình những giấy tờ khác để chứng minh mối quan hệ giữa người cho mượn và người mượn. Mặt khác, cũng cần làm rõ CSGT có thẩm quyền hay được phép kiểm tra những loại giấy tờ tùy thân này không.

Còn nếu buộc người điều khiển phải có giấy tờ chứng minh là xe mượn thì vô hình trung dẫn đến tình trạng đối phó. Người điều khiển xe có thể tự chuẩn bị giấy mượn xe với đầy đủ các thông tin cần thiết về chủ sở hữu xe và mình (tức người mượn xe)… Trong trường hợp này, CSGT cũng khó xử phạt.

ThSTRẦN QUANG TRUNG, giảng viên khoa Hành chính ĐH Luật TP.HCM

Khi dừng phương tiện vi phạm ngoài đường, lực lượng CSGT tỉnh Hậu Giang sẽ kiểm tra xem người điều khiển có đầy đủ giấy đăng ký xe, bảo hiểm, giấy phép lái xe hay không. Nếu họ xuất trình đủ giấy tờ, CSGT không yêu cầu chứng minh nguồn gốc chủ xe. Chỉ khi người điều khiển có vi phạm tới mức phải đưa xe về trụ sở, đồng thời chính họ khai báo mua xe từ người khác mà chưa chuyển tên theo quy định thì CSGT mới có căn cứ xử lý.

Thượng táVÕ CHÍ THANH,Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Hậu Giang

GIA TUỆ ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm