Đi xe không chính chủ: Không bị phạt!

ông Nguyễn Kim Hải - phụ trách Phòng Hướng dẫn tổ chức, công tác thanh tra kiểm soát giao thông (Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an) cho rằng đây là một quy định đã có từ lâu và nay Nghị định 71 (sửa đổi bổ sung Nghị định 34) chỉ tăng mức phạt tiền hành vi này (100.000-200.000 đồng lên thành 800.000-1.200.000 đồng/xe máy và 1-2 triệu đồng lên mức 6-10 triệu đồng/ô tô) chứ không phải là cấm hay xử phạt hành vi đi xe không chính chủ như dư luận lo ngại.

“Mọi người có giấy phép lái xe theo quy định đều có thể mượn xe của bạn bè, người thân để đi một cách bình thường mà không bị xử phạt. Khi CSGT kiểm tra thì người mượn xe cũng không phải có trách nhiệm chứng minh rằng đó là xe đi mượn, mượn của ai hay phải có giấy tờ chứng thực đi mượn…” - ông Hải khẳng định.

Cũng theo ông Hải, quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện chỉ áp dụng khi mua bán xe mà không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện theo pháp luật quy định. Tuy nhiên, việc xử phạt này theo ông Hải là không hề dễ dàng. Bởi CSGT phải căn cứ vào thông báo của chủ xe rằng chiếc xe đó đã được bán, chuyển nhượng sang cho người khác. Căn cứ vào thông báo đó và nếu quá 30 ngày mà người mua chưa thực hiện việc chuyển quyền sở hữu thì khi đó CSGT phát hiện mới xử phạt được. Còn nếu người bán không thông báo và người mua cũng không thực hiện quyền sở hữu phương tiện thì lúc đó không có căn cứ để xử phạt.

Chiều tối 10-11, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT TP Hà Nội, cũng đã gặp gỡ báo chí để nói lại cho rõ thông tin CSGT Hà Nội ra quân thực hiện Nghị định 71, trong đó có nội dung xử lý đối với phương tiện giao thông không chuyển quyền sở hữu theo quy định. Theo ông Thắng, dư luận đã có sự hiểu lầm giữa hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định với việc đi xe không chính chủ. Theo đó, đối với những trường hợp không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định thì phạt theo mức như Nghị định 71 quy định. Người dân vẫn có thể đi xe không chính chủ nếu đủ điều kiện (có bằng lái), có đăng ký phương tiện. Trường hợp người mượn xe có hành vi vi phạm luật giao thông thì chịu xử phạt theo các lỗi thông thường. Tuy nhiên, nếu phương tiện đó bị tạm giữ, bị tai nạn… thì phía CSGT sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ phương tiện đó đã chuyển quyền sở hữu theo quy định hay chưa.

THÀNH VĂN - TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm