Đến giờ thì đã rõ CSGT không xử phạt người đi xe không chính chủ mà chỉ xử phạt hành vi chuyển nhượng xe không đăng ký. Vậy CSGT sẽ phạt như thế nào và phạt người bán hay người mua?
Mua bán xe máy cũ: Ít người đăng ký
Theo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), hiện có khoảng 40% trong tổng số phương tiện đang lưu hành đã mua bán, chuyển nhượng nhưng không sang tên, gây khó cho công tác quản lý.
Gửi ý kiến phản hồi về các bài viết liên quan đến việc phạt xe không chính chủ, nhiều bạn đọc cũng cho biết lâu nay họ vẫn chạy xe mang tên người khác. Đa phần là xe máy trị giá vài triệu đồng. Người này nói “xe có cà vẹt nên coi như tôi không đi xe gian là được rồi!”. Người khác bảo do ngại đi công chứng (cả vợ chồng phải cùng đến) nên người bán và người mua thỏa thuận “cứ để vậy mà chạy, khỏi đóng trước bạ, mọi người vẫn làm hà rầm như thế đó thôi!”. Người nọ trình bày: “Do không có hộ khẩu ở TP.HCM nên không thể sang tên hoặc phải nhờ người khác đứng tên giùm”…
Riêng với ô tô thì tình hình “sáng sủa” hơn. Anh TV (Đồng Nai) kể anh vừa mua lại chiếc ô tô 320 triệu đồng. Dù rất bận bịu nhưng anh vẫn đi sang tên ngay “không phải vì sợ bị phạt mà vì đã bỏ ra số tiền lớn như vậy nên muốn đâu đó rõ ràng”. Theo lời anh, thủ tục đăng ký cũng đơn giản, nhanh chóng, có điều anh phải tốn 32 triệu đồng nộp trước bạ (10%). “Lệ phí cao vậy nên nhiều người ngán không muốn chuyển quyền” - anh giải thích.
Người dân thường đăng ký, sang tên xe mới chứ mua bán xe cũ ít người đăng ký. Ảnh: HTD
Có một thực tế là rất ít người gặp rắc rối pháp lý từ việc không sang tên xe, nhất là đối với xe máy. Tuy quy định xử phạt hành vi không làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu xe đã có từ năm 1995 (theo Nghị định 49) và tiếp tục duy trì ở nhiều nghị định khác nhau (nay là Nghị định 71) nhưng 17 năm qua rất ít người bị phạt.
Luật Giao thông đường bộ chỉ yêu cầu người điều khiển xe phải có giấy đăng ký xe (không đòi hỏi giấy mang tên ai) nên mọi người cứ cầm giấy sẵn có đó lưu thông trên đường. Nếu có lỡ vi phạm luật giao thông (chạy lấn tuyến, vượt đèn đỏ...) thì người mua xe giấy tay thường chỉ bị CSGT xử phạt về các lỗi cụ thể này. Trường hợp có lỡ gây tai nạn giao thông thì họ đồng ý bồi thường thiệt hại và nếu không thỏa thuận được thì kiện ra tòa. Người bán xe, người bị nạn và cả CSGT chẳng ai thấy vướng víu gì về việc này.
CSGT: Không đủ sức xác định
Đại tá Ngô Văn Phiến, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt - Công an tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Từ trước đến nay lực lượng CSGT tỉnh chưa xử phạt trường hợp nào về việc mua bán xe mà không sang tên. Khi tuần tra, kiểm soát, CSGT chỉ kiểm tra người điều khiển có giấy đăng ký xe hay giấy phép lái xe… hay không. Với giấy đăng ký xe thì CSGT chỉ xem xét một số thông tin quan trọng và hoàn toàn không có đủ thời gian, điều kiện để xác định xe đó là xe mượn, xe của các thành viên trong gia đình hay xe đã mua, đã được tặng cho mà chưa sang tên”.
Đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Tiền Giang, thông tin: “Lâu nay CSGT tỉnh Tiền Giang không hề xử phạt các xe lưu thông trên đường về lỗi chuyển nhượng xe mà không sang tên. Chúng tôi chỉ xử phạt khi phát hiện có trường hợp đăng ký xe quá hạn quy định”.
Tại TP.HCM, trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 11-11, Thượng tá Trần Thanh Trà, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt - Công an TP.HCM, cũng cho rằng hành vi mua bán xe không sang tên chỉ được phát hiện khi phương tiện gây ra tai nạn giao thông hoặc ở một số trường hợp nghi vấn. CSGT TP.HCM không thường xuyên kiểm tra để xử phạt người chạy xe trên đường về lỗi này do việc chứng minh sai phạm trải qua nhiều khâu đoạn và cần có thời gian.
Cũng từ các nguyên nhân nêu trên mà tại cuộc gặp báo chí chiều 12-11, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), khẳng định: “Sẽ không có việc xử phạt người chạy xe trên đường về hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”. Gặp trường hợp giấy đăng ký xe mang tên người khác, nếu người lái xe trình bày xe mượn, thuê, xe của gia đình thì CSGT sẽ cho qua. Việc xác định lỗi này được CSGT thực hiện trong trường hợp người vi phạm bị đưa về trụ sở. Bấy giờ nếu đương sự không xuất trình được các chứng cứ thể hiện đó không phải là xe đã mua thì CSGT sẽ xử phạt”.
Người ngay tình không thể bị vạ lây
Cách “điều tra” này liệu có ổn thỏa vì tại thời điểm này (khi Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa có hiệu lực) người dân không có nghĩa vụ chứng minh mình không vi phạm hành chính? Ngược lại, chính CSGT khi muốn phạt phải chứng minh vi phạm hành chính. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự cho phép chủ xe được quyền giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng xe mà không bị ràng buộc phải làm văn bản. Trừ những trường hợp cố tình nói dối để đối phó, những trường hợp ngay tình còn lại biết dùng giấy tờ gì để thể hiện là được cho mượn xe, được tạm giao xe để sử dụng? Vậy nên tiếng là “không có chuyện bắt người dân khi ra đường phải mang theo hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn…” (như lời của Thiếu tướng Nghị) nhưng hóa ra mọi người cứ phải kè kè theo người mấy loại giấy này để dễ dàng “nói chuyện” với CSGT?
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó phòng Công chứng số 7 TP.HCM, đề nghị: “Khi mua xe thì phải sang tên nhằm tránh bất lợi cho chính mình. Song cách thức xác minh, xử phạt cần được triển khai theo hướng không gây phiền hà cho dân, không làm ảnh hưởng đến quyền tài sản của dân”.
Phạt người có lỗi Trả lời Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt - Công an tỉnh Tiền Giang, cho rằng: “Đối tượng bị phạt là người mua vì người bán không còn trách nhiệm”. Trên báo Tuổi Trẻ ngày 12-11, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, cũng bảo: “Người bị phạt chính là người chủ hiện tại của chiếc xe” (tức là người mua xe). Nhiều ý kiến cho rằng cả hai ý kiến này đều sai bởi lẽ Nghị định 71/2012 nêu rõ là phạt chủ phương tiện. Luật sư Tô Ngọc Minh Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) lưu ý: “Sau khi bán xe thì nhiều chủ xe đã chuyển đến địa phương khác, thậm chí ra nước ngoài hoặc chết. Có lẽ vì muốn nắm người có tóc nên CSGT đòi phạt người mua xe. Song một khi chưa làm thủ tục đứng tên trên giấy đăng ký xe thì người mua vẫn chưa được pháp luật công nhận là chủ xe. Tuy nhiên, nếu quy định cứng nhắc ”phạt người bán” thì cũng không ổn. Bởi lẽ việc chuyển quyền sở hữu xe phải do hai bên cùng thực hiện. Tôi cho rằng nên có sự phân loại, nếu người bán có lỗi không đi công chứng, chứng thực thì phạt người bán. Trường hợp người mua không chịu đi đóng trước bạ, không đi đăng ký thì phải phạt người mua”. Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm: “Trước đây Nghị định 49/1995 phạt người điều khiển xe máy về lỗi không làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu xe hoặc chuyển vùng theo quy định. Dần dà, có lẽ vì rất khó phạt người điều khiển xe (phản ứng gay gắt của dư luận mấy hôm nay cho thấy rõ điều này) nên các Nghị định 146/2007, 34/2010, 71/2012 chuyển sang phạt người chủ phương tiện. Đã là quy định của Chính phủ thì Bộ Công an, lực lượng CSGT phải thực hiện đúng như thế. Trường hợp xét thấy người bán không có lỗi (việc chậm sang tên là lỗi của người mua) thì có thể tính đến việc phạt người mua để từ đó thúc đẩy cả hai bên sớm hoàn tất việc sang tên, đổi chủ”. Thủ tục sang tên xe máy Đầu tiên, hai bên phải làm giấy mua bán xe (ở TP.HCM thì phải đi công chứng, riêng một số tỉnh thì có thể đến UBND cấp xã chứng thực). Kế tiếp, người mua đi đến chi cục thuế cấp huyện nộp lệ phí trước bạ (trước bạ từ lần hai trở đi là 1%). Sau cùng, người mua đến CSGT cấp huyện (nơi cư trú) để đăng ký xe. Trường hợp sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác thì người mua hoặc người bán xe chỉ phải xuất trình giấy tờ theo quy định, không phải đưa xe đến kiểm tra. Việc sang tên phải được làm trong vòng 30 ngày kể từ ngày làm giấy mua bán xe. (Theo Thông tư 36/2010 của Bộ Công an) |
NHÓM PV