Để giải đáp sự lo lắng, hoang mang của dư luận và cả sự thiếu thống nhất trong giải thích của các lực lượng chức năng, chiều 12- 11, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) đã chủ trì cuộc gặp gỡ với báo chí để nói rõ thêm về quy định: Xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện. Tại cuộc gặp trên, ông Nghị cho biết đã có công điện yêu cầu công an các tỉnh không xử phạt đối với các trường hợp xe đi mượn.
Cứ nói mượn xe là không bị phạt?
. Pháp Luật TP.HCM: Ông có thể cho biết cụ thể là trong trường hợp mượn xe của người khác để đi thì CSGT kiểm tra ngoài đường có thể yêu cầu người điều khiển cho biết nguồn gốc của phương tiện đang đi hay không?
+ Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Ngày 11, Tổng cục đã có Điện hướng dẫn cụ thể là khi tuần tra kiểm soát, nếu phát hiện trường hợp có giấy đăng ký xe nhưng tên của chủ xe không trùng với tên của người lái xe thì có quyền hỏi nhưng nếu người lái xe trình bày là xe đi mượn, xe đi thuê, xe trong gia đình thì CSGT không xử phạt hành vi vi phạm mua bán xe không sang tên đổi chủ.
. Thanh Niên: Nhưng nếu thực tế người dân đã mua bán và chưa sang tên đổi chủ nhưng lại nói dối là xe mượn thì CSGT có cách nào để chứng minh việc chưa sang tên không?
+ Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Tình huống đó trước mắt nếu người dân khai báo thế thì chúng tôi chưa phạt. Nhưng sắp tới nếu các trường hợp vi phạm (lỗi khác, đến mức bị giữ phương tiện) khi về đồn chúng tôi kiểm tra thấy giấy đăng ký xe không khớp với người điều khiển phương tiện sẽ yêu cầu họ phải chứng minh rằng xe đó là đi mượn hay xe hợp đồng. Còn hiện tại vì chưa có quy định thế nên chúng tôi chưa thực hiện.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên (trái) và Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị tại buổi họp báo. Ảnh: THÀNH VĂN
. Người Lao Động: Nhưng như thế thì phải chăng chúng ta đang khuyến khích người dân nói dối vì sẽ có nhiều trường hợp mua bán không sang tên đổi chủ nhưng vẫn nói là mượn xe và như thế chúng ta sẽ không có căn cứ để xử phạt?
+ Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Việc xác định phương tiện đó đã mua bán và chưa sang tên ngoài đường là rất khó khăn. Nếu mà quy định xác định ngoài đường chắc là được nhưng sẽ gây khó cho dân và sẽ không tạo được sự đồng thuận. Do vậy, trước mắt chúng tôi quy định là ở ngoài đường khi dân trình bày như thế thì không xử phạt. Nhưng sắp tới khi anh vi phạm bị đưa về trụ sở giải quyết thì chúng tôi sẽ đối chiếu, lúc ấy anh sẽ phải xuất trình. Nhưng để thực hiện quy trình này, phải có quy định của Bộ Công an.
. Pháp Luật TP.HCM: Giả sử quy định đó được thực hiện nhưng nếu người dân mượn xe và chủ xe đã đi công tác hoặc lao động ở nước ngoài nên họ không thể chứng minh được xe đi mượn. Trong trường hợp này, họ có bị xử phạt không?
+ Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt: Những trường hợp này thì không thể xử phạt họ được. Vì thực tế, có nhiều người đi nước ngoài 2-3 năm và họ để xe ở nhà cho người khác mượn để đi, chứ không phải là mua bán sang tên đổi chủ. Không thể xử phạt các trường hợp này được.
Chưa kiến nghị dừng thực hiện
. Sài Gòn Tiếp Thị: Với những bất cập trên, Tổng cục có dự định kiến nghị lùi thời gian thực hiện quy định trên?
+ Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Cái này đã được thực thi từ nhiều năm nay và cơ quan công an chỉ là người thực thi pháp luật, khi pháp luật có hiệu lực thì phải thực hiện. Ngay mấy ngày nay, tại vì dư luận xã hội định hướng không đúng nên dân mới lo. Chứ thực hiện như này chắc không có gì bức xúc đâu. Chúng tôi không đề nghị lùi thực hiện quy định trên. Sau một thời gian nữa phải đánh giá, sơ kết lúc đó mới kiến nghị sửa gì thì sửa. Chứ bây giờ vừa ban hành, chưa xử phạt ai mà kiến nghị sửa thì pháp luật đâu còn là pháp luật.
. Nhiều báo hỏi: Dẫn đến những cách hiểu khác nhau, vậy phải chăng công tác tuyên truyền của mình chưa tốt?
+ Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Văn bản pháp quy nếu đã rõ thì không nhất thiết phải có văn bản để giải thích. Tất nhiên trong quá trình thực hiện có phát sinh thì Bộ Công an sẽ có văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, phải thấy rằng nếu báo chí nói không rõ thì người dân rất hoang mang. Ví dụ trong việc này nếu các đồng chí thể hiện rõ quy định của pháp luật chỉ xử phạt hành vi không chuyển nhượng, chứ không có quy định nào xử phạt xe không chính chủ thì sẽ đỡ hơn. Nhưng tít của mình cứ đặt là: Xử phạt đi xe không chính chủ thì rất phức tạp.
TS ĐỖ VĂN ĐƯƠNG (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp): Mọi chính sách phải tính đến việc yên dân Chứng minh xe chính chủ là rất khó, chẳng lẽ người dân ra đường phải đem theo đầy đủ giấy tờ sở hữu xe nhưng việc mượn xe là giao dịch dân sự hợp pháp, phải cân nhắc cách làm. Không lẽ trong gia đình, mỗi người đều phải có một xe. Do đó, biện pháp quản lý cũng phải hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và cá nhân. Mọi chính sách trước hết phải tính đến việc yên dân. Đại biểu NGÔ VĂN MINH (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật): Chẳng lẽ đi đâu cũng mang theo giấy chứng nhận kết hôn Nhiều gia đình cả nhà cùng mua xe, đi chung, khó phân tích xe chính chủ hay không chính chủ. Như bản thân tôi không có xe máy. Tôi đi xe của con nhưng là xe con dâu, con rể đứng tên thì chứng minh làm sao quan hệ khi chúng tôi không cùng họ? Hoặc trường hợp hai vợ chồng chỉ có một xe, đi đâu cũng phải mang theo giấy chứng nhận kết hôn? Nếu như vậy mà vẫn phạt là hết sức vô lý. Việc ban hành quy định không hợp lý cơ quan ban hành chính sách phải tự điều chỉnh. Nếu không, đại biểu cũng có kiến nghị Ủy ban Pháp luật “thổi còi”. Giảm thuế, giảm thủ tục đổi chủ Trước ý kiến dư luận cho rằng thuế trước bạ sang tên quá cao, cộng với thủ tục đăng ký lại quá rắc rối, bên lề cuộc họp báo, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị cho hay đã bàn bạc với Bộ Tài chính giảm thuế trước bạ đối với xe cũ khi thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ xuống mức thấp nhất. Ngoài ra, Bộ Công an cũng sẽ tối giản quy trình đăng ký lại đối với xe đến làm thủ tục đổi chủ. PL |
THÀNH VĂN