Tại cuộc họp, đại diện một số đơn vị trong Bộ Công an cho rằng quy định trên là phù hợp và đã được đề cập trong các nghị định trước đó của Chính phủ. Trong khi đó, Bộ Tư pháp cho rằng cần xem xét quy định trên sao cho phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với các luật định khác. Dự kiến, sau cuộc họp này, Bộ Tư pháp sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ.
Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng việc CSGT xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ là không phù hợp. Theo ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), nội dung phạt đối với chủ sở hữu tài sản không phải là đối tượng điều chỉnh của lĩnh vực vi phạm giao thông đường bộ. Cho nên nội dung này không nên quy định trong Nghị định 71. Bộ GTVT (cơ quan tham mưu ban hành Nghị định 71) phải xem xét và đề nghị Chính phủ sửa đổi, loại nội dung này ra khỏi Nghị định 71.
Được biết sau khi quy định trên có hiệu lực đã xuất hiện nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng CSGT lạm quyền. Trong đó, mới nhất là việc CSGT Hải Dương đã bắt một trường hợp điều khiển xe ô tô phải chứng minh việc mượn xe dù lái xe đã trình bày là xe đi mượn. Sau đó vì lái xe yêu cầu CSGT chứng minh xe mình đã sang nhượng mà chưa chuyển quyền sở hữu thì CSGT mới cho đi, không bị xử phạt. Hiện mức phạt đối với vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện đối với ô tô là 6-10 triệu đồng.
THÀNH VĂN