Không nên quy định riêng về trộm thú cưng

Pháp luật không thể quy định trộm con gì, cây gì hay vật cụ thể gì thì cấu thành tội phạm mà chỉ có thể quy định trộm cắp tài sản. Chính vì vậy mà BLHS hiện hành quy định các tội chiếm đoạt tài sản ở chương các tội xâm phạm sở hữu, trong đó có tội trộm cắp tài sản.

Quy về dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng

Đã là tài sản thì bao giờ cũng phải có giá trị, dù đó là thú cưng, mèo cưng, chim quý hay đồ thờ cúng, đồ trang sức… Giá trị tài sản bao gồm cả giá trị vật chất và tinh thần. Giá trị tinh thần vẫn có thể quy ra bằng tiền được. Một con chó có khi chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng có thể hàng chục triệu đồng; một con chim quý có khi giá đến trăm triệu đồng; con cá cảnh có loại lên tới vài chục triệu đồng.

Pháp luật không thể liệt kê từng tài sản bị chiếm đoạt và trên thực tế cũng không thể liệt kê hết được. Việc xác định giá trị tài sản là của cơ quan tiến hành tố tụng; nếu khó xác định được thì trưng cầu hội đồng định giá tài sản.

Cũng có trường hợp tài sản tuy có giá trị thấp nhưng là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại. Ví dụ: Một gia đình nghèo chỉ có một chiếc xe thồ hàng thuê để kiếm tiền đong gạo hằng ngày cũng bị lấy mất thì phải coi trường hợp này là gây hậu quả nghiêm trọng, dù tài sản chưa đến 2 triệu đồng vẫn bị khởi tố. Rất tiếc, trên thực tế có nhiều vụ trộm mà cơ quan điều tra không quan tâm đến dấu hiệu này nên chỉ căn cứ vào giá trị tài sản để khởi tố hay xử lý hành chính.

Tội trộm cắp thú cưng, chim quý có thể quy về dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: NS

Việc xác định dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng đối với tội trộm cắp tài sản không khó như một số trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở một số tội phạm khác. Ví dụ: Vì trộm chó mà dẫn đến người dân truy đuổi đánh trọng thương kẻ bắt chó, gây náo loạn, làm mất trật tự trị an cả một khu dân cư. Trường hợp này người trộm chó phải chịu trách nhiệm về hành vi trộm cắp gây hậu quả nghiêm trọng, mặc dù hậu quả nghiêm trọng đó gây ra cho chính mình.

Trộm cắp là hành vi được thực hiện do cố ý dù đó là cố ý không xác định, tức là gặp gì thì lấy cái đó, không cần biết tài sản đó giá trị lớn hay nhỏ. Còn “chẳng may” trộm được tài sản có giá trị nhỏ nhưng giá trị tinh thần lớn thì không vì thế mà miễn trách nhiệm cho kẻ phạm tội.

Thực tiễn đã có trường hợp trộm một bức tranh quý “có một không hai” rồi đem ra nước ngoài bán thì người phạm tội không chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp mà còn bị truy cứu về tội vi phạm các quy định về bảo vệ di tích văn hóa gây hậu quả nghiêm trọng.

Giữ nguyên điều luật cũ nhưng phải giải thích

Hiện nay, dự án BLHS sửa đổi đề xuất thêm hai trường hợp xử lý hình sự người trộm tài sản giá trị dưới 2 triệu đồng. Đó là nếu tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc gia đình họ hay có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ.

Theo tôi, đề xuất này rõ ràng là không phù hợp với lý luận và kỹ thuật lập pháp. Chưa kể sau đó lại phải giải thích thế nào là tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần, rất khó áp dụng. Nên chăng tất cả nên quy về dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng và giải thích trường hợp tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần cũng là trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Người bị hại có thể khai tài sản có giá trị đặc biệt về tinh thần nhưng trách nhiệm của cơ quan điều tra phải xác định lời khai của người bị hại có đúng hay không, nếu khai không có căn cứ thì bác.

Vì vậy, theo tôi nên giữ nguyên quy định tại Điều 138 BLHS hiện hành. Tuy nhiên, ngay sau khi ban hành BLHS sửa đổi, bổ sung thì phải có ngay nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích BLHS. Muốn vậy, ngay từ bây giờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên giao cho cơ quan chủ trì soạn thảo dự án BLHS sửa đổi, bổ sung (Bộ Tư pháp) phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị dự thảo nghị quyết về giải thích BLHS. Khi thông qua BLHS sửa đổi, Quốc hội sẽ thông qua luôn nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích BLHS. Có như vậy mới thật sự đổi mới cách làm luật và pháp luật mới có chất lượng, mới đi vào cuộc sống dễ dàng.

Trộm thú cưng, có nên khởi tố?

NhưPháp Luật TP.HCMđã phản ánh, thực tế có không ít vụ trộm cắp tài sản dù phát hiện ra thủ phạm nhưng cơ quan công an không khởi tố vì không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Điều 138 BLHS (tài sản bị chiếm đoạt chưa đến 2 triệu đồng, người vi phạm không gây hậu quả nghiêm trọng, chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích). Trong khi đó, người bị mất tài sản thì bức xúc, phẫn nộ bởi có khi tài sản bị trộm là phương tiện kiếm sống chính của họ, chẳng hạn một gia đình nghèo chỉ có một chiếc xe thồ hàng thuê kiếm tiền đong gạo hằng ngày cũng bị lấy mất. Hoặc có khi tài sản bị trộm có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị trộm như thú cưng (chó, mèo…), đồ kỷ vật (nhẫn cưới…).

Trước thực tế này, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã đề xuất thêm hai trường hợp xử lý hình sự người trộm tài sản giá trị dưới 2 triệu đồng. Đó là nếu tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc gia đình họ hay có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ.

Hiện có nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh đề xuất này. Có ý kiến cho rằng đề xuất trên rất thiếu thực tế và khó thi hành. Cũng có người tán đồng nhưng đề xuất dự thảo BLHS nên cụ thể theo hướng liệt kê các loại tài sản tương ứng, chẳng hạn tài sản bị chiếm đoạt là thú cưng (chó, mèo…), đồ thờ cúng (lư hương, tượng Phật..), đồ kỷ vật (nhẫn cưới, quà tặng...).

Chuyện báu vật do cụ tổ để lại

TAND Tối cao từng phải hướng dẫn một trường hợp cụ thể trong vụ người phạm tội trộm một tấm thảm gia truyền của đồng bào dân tộc Thái. Gia đình cũng không biết giá trị của tấm thảm đó là bao nhiêu, họ không cần tiền mà nói tấm thẩm đó vô giá, vì của cụ tổ để lại qua 10 đời. Cơ quan điều tra đã cố gắng truy tìm nhưng không thu hồi được báu vật đó nên phải làm công tác tư tưởng, hòa giải để người bị hại đưa ra một mức tiền. Lúc ấy, tòa tối cao hướng dẫn trường hợp này người bị hại đưa ra giá bao nhiêu thì buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự bấy nhiêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới