Gần đây, trên mạng lan truyền về một vụ việc khá hi hữu: Bắt trộm chó cưng rồi lên Facebook đòi tiền chuộc. Số là chị TTNB (ngụ TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) để con chó cưng mà chị đã nuôi nấng từ nhỏ ở nhà rồi đi siêu thị mua sắm. Lúc về đến nhà, chị tá hỏa khi phát hiện chó cưng của mình đã biến mất, hỏi thăm những người xung quanh thì cũng không ai biết gì.
Trộm xong lên Facebook thú nhận
Tìm kiếm khắp nơi không thấy, vốn có tài khoản Facebook, chị B. đã đăng lên Facebook những thông tin cần thiết nhằm mục đích tìm lại chú chó cưng. Không ngờ chủ nhân của trang Facebook có tên là TVT đã chủ động kết nối bạn bè với chị. Sau đó người này chụp ảnh, đưa ảnh và thông tin về chú chó lên Facebook, cho chị biết mình chính là thủ phạm trộm chó, đồng thời cho chị B. số điện thoại liên lạc.
Qua việc chat trên Facebook và trao đổi qua điện thoại, T. không ngần ngại khẳng định mình đang giữ chú chó cưng của chị B., nếu chị B. muốn nhận lại thì phải bỏ ra 3 triệu đồng tiền chuộc. T. còn nói nếu chị B. không chịu chi tiền chuộc lại thì anh ta sẽ bán chó cho quán nhậu để nơi đây biến nó thành “cầy tơ bảy món”.
Thương chó cưng, chị B. xin giảm giá xuống còn 2 triệu đồng. Thỏa thuận xong, T. ra thêm điều kiện là chị B. không được báo công an. T. yêu cầu chị B. trả 2 triệu đồng bằng cách mua bốn chiếc thẻ nạp tiền điện thoại mạng Mobifone mệnh giá 500.000 đồng, sau đó nhắn mã thẻ. Khi nhận đủ tiền, T. sẽ giao thú cưng cho chị B. theo địa điểm đã hẹn. Chị B. làm theo. Tuy nhiên, khi nhận được số thẻ, T. tắt điện thoại. Không biết làm sao, chị B. đành đến công an phường trình báo vụ việc.
Chó là vật nuôi được nhiều người coi là người bạn thân thiết, không thể quy ra tiền. Ảnh minh họa: HTD
Đề xuất hai trường hợp
Trong vụ việc trên, nếu đúng T. là kẻ trộm chó của chị B. thì T. có hai hành vi vi phạm là trộm cắp tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo BLHS hiện hành, hành vi lừa đảo của T. đã cấu thành tội phạm vì đủ định lượng tối thiểu để khởi tố (chiếm đoạt 2 triệu đồng). Riêng hành vi trộm cắp, nếu trị giá chú chó của chị B. chưa đến 2 triệu đồng, đồng thời T. chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích thì T. sẽ không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính.
Trên thực tế đã có không ít vụ trộm cắp chó, mèo hoặc đồ kỷ vật, dù phát hiện thủ phạm nhưng cơ quan công an không khởi tố vì không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Điều 138 BLHS (tài sản bị chiếm đoạt chưa đến 2 triệu đồng, người vi phạm không gây hậu quả nghiêm trọng, chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích). Điều đáng nói là có những vụ “trộm vặt” không gây thiệt hại bao nhiêu về mặt vật chất nhưng lại làm nạn nhân bức xúc, căm phẫn vì bị tổn thương tâm lý.
Trước thực tế này, ngoài ba trường hợp xử lý hình sự dù tài sản bị trộm cắp dưới 2 triệu đồng như luật hiện hành, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã đề xuất thêm hai trường hợp mới là “nếu tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc gia đình họ hoặc có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ”.
Xử hình sự là cần thiết?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Phạm Công Hùng ủng hộ đề xuất trên. Ông phân tích: Pháp luật hiện nay thường bị coi là theo không kịp với thực tế cuộc sống. Với đề xuất này, pháp luật đã len lỏi vào được cuộc sống vì có những tài sản không thể chỉ đánh giá bằng giá trị vật chất. Chẳng hạn một con vật nuôi đã trở thành người bạn thân thiết, một cái nhẫn vàng là kỷ vật cha mẹ để lại có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần. Hoặc ở góc độ tâm linh, những món đồ thờ cúng dù giá trị có thể không đến 2 triệu đồng nhưng với nhiều người lại rất thiêng liêng, quý giá. Nếu chúng bị mất đi sẽ là một tổn thất tinh thần to lớn cho người bị hại.
Tương tự, ở vùng kinh tế khó khăn, có khi cái xe đạp thồ, cái xe máy cà tàng cũng được người dân coi là tài sản chính trong đình, là phương tiện kiếm sống duy nhất của họ, nếu bị mất là mất cả “cần câu cơm”. “Việc xử lý hình sự kẻ trộm trong các trường hợp trên là cần thiết” - ông Hùng khẳng định.
Đồng tình nhưng luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) cho rằng nếu luật hóa thì cần có hướng dẫn cụ thể thế nào là tài sản là “phương tiện kiếm sống chính” hoặc “có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần” để tránh sự tùy tiện khi áp dụng.
Đánh giá cảm tính, có thể gây oan sai?
Trong khi đó, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) lại đưa ra ba luận điểm để cho rằng đề xuất trên không phù hợp: Thứ nhất, nó sẽ tạo ra chính sách hình sự không công bằng mà đây vốn là một nguyên tắc cơ bản theo Hiến pháp (mọi người đều bình đẳng trước pháp luật). Không thể cùng một hành vi trộm cắp như nhau mà lại có hai cách xử lý khác nhau. Thứ hai, về lý luận, đặc trưng của tội trộm cắp là loại tội phạm xâm phạm quyền sở hữu về tài sản nên luật mới phải quy định số tiền cụ thể và đến mức độ đáng kể nào đó mới bị xử lý hình sự. Thứ ba, về tố tụng, sẽ không có thước đo nào đánh giá được thế nào là “phương tiện kiếm sống chính của người bị hại” hay “có giá trị tinh thần đặc biệt”. Từ đó sẽ rất khó chứng minh được điều kiện cần và đủ để kết tội người vi phạm, vô tình tạo ra sự tùy tiện trong xử lý.
Cùng quan điểm, luật sư Lưu Văn Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đánh giá nếu được luật hóa thì đây sẽ là quy định gây khó khăn cho cơ quan tố tụng bởi trong các trường hợp này, yếu tố nhận định cảm tính sẽ rất cao. Luật sư Tám dẫn chứng: “Tôi ví dụ bức tranh có khi chỉ đáng giá 200.000 đồng nhưng người làm ra nó cứ nói vống lên rằng đó là tài sản vô giá, là kết tinh giá trị thẩm mỹ, là đứa con tinh thần đáng giá cả tỉ đồng… Lúc này sẽ rất khó có một chuẩn mực để đánh giá vì người vẽ tranh họ có cách nhìn của họ, còn thị trường nó có giá của thị trường”.
Ngoài ra, theo luật sư Tám, có thể sẽ có tình huống ban đầu người bị hại cho rằng tài sản bị mất có giá trị tinh thần đặc biệt nhưng khi ra tòa họ lại thay đổi ý kiến, “chẳng lẽ cơ quan tố tụng phải chạy theo cảm xúc và nhận thức của người bị hại hay sao. Điều này có thể dẫn tới án oan, vốn là một vấn đề vẫn đang nhức nhối trong tiến trình cải cách tư pháp”.