Không phải cứ mát là giải nhiệt

Y học cổ truyền cho rằng nhiệt trong cơ thể có thể do yếu tố bên ngoài đưa tới (hỏa độc, nhiệt độc, thực nhiệt) và yếu tố bên trong do phần âm bị thiếu hụt mà sinh nhiệt độc như nổi mụn, dị ứng, ban sởi, người phiền toái, đau nhức, cảm giác bứt rứt, đổ mồ hôi trộm, ho khan, cổ họng khô khát, lưỡi đỏ, tiểu ít, tiểu đỏ… Trẻ con dễ bị rôm sảy, dị ứng, ban đỏ, nóng sốt, làm kinh...

Nhiệt độc tích tụ lâu ngày trong người còn làm suy yếu hệ miễn dịch trong cơ thể, làm tăng mức độ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục, tiêu hóa (bội nhiễm). Nhiệt độc lâu ngày còn có nguy cơ gây nhiễm trùng huyết, có thể dẫn đến sốt cao, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, rối loạn thành mạch. Mất nước quá nhiều còn có thể dẫn đến tiểu ít, rối loạn chất điện giải, co giật, hôn mê, nặng nhất là nhiễm độc thần kinh có thể gây tử vong.

Để giúp cơ thể giải nhiệt trong những ngày nắng nóng cần uống nước nhiều. Chế biến các loại canh rau có vị đắng như rau má, khổ qua, rau đắng, bồ ngót, sâm đất… Ăn các loại quả có chứa nhiều acid hữu cơ như dâu tây, cam quýt, dưa gang, dưa hấu, sơ ri… Uống nước sắc hoặc uống các loại trà thảo dược thiên nhiên để thanh nhiệt (làm mát cơ thể), mát gan.

Không phải cứ mát là giải nhiệt ảnh 1

Những loại thảo dược có vị đắng, tính mát (hoặc lạnh) tác dụng giải nhiệt, dưỡng âm sinh tân, nhuận tràng, giải độc, mát gan (như kim ngân, sài đất, cỏ mực, cúc hoa, sắn dây, huyền sâm, sinh địa, rau má, cỏ tranh, mã đề, râu bắp, râu mèo, rong biển...), có thể phối hợp 5-6 vị thành một bài, liều lượng 10-12 g (khô) hoặc 30-50 g (tươi) cho mỗi loại, nấu với 1 lít nước, đun còn khoảng 500 ml, uống trong ngày.

Bà nội trợ có thể tạo ra món nước mát từ các loại cây cỏ: cỏ tranh, cỏ mực, râu bắp, mía lau… để giải nhiệt độc trong mùa hè oi bức. Tuy nhiên, nước mát cũng hạn chế sử dụng cho những trường hợp già yếu, suy thận, huyết áp thấp, trẻ nhỏ (1-5 tuổi). Đặc biệt không nên cho trẻ uống nước mát này thay nước lọc. Mức nước mát cho trẻ nhỏ chỉ nên là 1-2 ly nhỏ (khoảng 200-300 ml) mỗi ngày. Vì nước mát có tác dụng lợi tiểu tốt nên khi uống quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng trẻ tiểu thường xuyên, tiểu nhiều, gây mất nước cho cơ thể. Ngoài ra, phụ nữ đang có thai, đang hành kinh cũng không nên dùng. Trường hợp sốt cao do nhiễm trùng thì nên có ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa. Khi uống nước mát cũng cần chú ý liều lượng và khi hết bệnh thì ngưng, không nên dùng thường xuyên mỗi ngày vì dễ sinh tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa.

Quan niệm của các bậc phụ huynh khi trời nắng nóng thường cho trẻ đi tắm biển hoặc các hồ bơi để làm mát da và giảm nhiệt. Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, trẻ tắm nhiều sẽ bị hao tổn năng lượng, giảm nhiệt và mất nước qua da. Vì vậy không cho trẻ tắm quá 45 phút/ngày. Ngoài ra không nên cho trẻ phơi nắng nhiều nhất là thời gian từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Cho trẻ hoặc nhắc trẻ thường xuyên uống nước. Tốt nhất là nước sôi để nguội và các loại nước ép từ trái cây.

DS LÊ KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm