Chiều 29-7, Sở Y tế TP.HCM phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 và công tác ứng phó của TP.
Tại cuộc họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi liệu TP.HCM có phải tính đến giải pháp cách ly xã hội hay không, sau khi đã có hai ca nhiễm vừa mới được Bộ Y tế công bố.
Ông Nguyễn Trí Dũng (áo xanh sẫm) đang trả lời câu hỏi về cách ly xã hội. Ảnh: TÁ LÂM
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho rằng đây là một trong những giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc vào mức độ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thế nào mới có thể quyết định.
“Không thể nói số lượng ca bao nhiêu là cách ly xã hội mà nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như không gian, thời gian nữa”- ông Dũng nói. Ông cho rằng sẽ thực hiện cách ly xã hội khi có đầy đủ các yếu tố khác ngoài yếu tố về y tế.
Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, ông Dũng cũng kêu gọi sự tự giác của chính người dân và cộng đồng. Những người về từ Đà Nẵng chưa khai báo y tế cần tự giác khai báo với cơ quan y tế, người dân khi phát hiện cũng nên thông báo chính quyền. “Không bỏ sót những trường hợp người về từ Đà Nẵng”- ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, đến sáng nay đã có gần 6.000 người về từ Đà Nẵng được lấy mẫu xét nghiệm, 9.000 đã khai báo y tế. Tuy nhiên, ông cho biết có nhiều trường hợp khai báo không đúng, 1 người đi Đà Nẵng nhưng kéo theo cả nhà đi khai báo y tế. Ngoài ra, cũng có người về từ Đà Nẵng nhưng không khai báo.
Về năng lực xét nghiệm, ông Dũng cho biết có 13 đơn vị có khả năng làm xét nghiệm COVID-19. Tính riêng các bệnh viện có năm đơn vị có khả năng làm xét nghiệm. “Chúng ta xét nghiệm khoảng 2.000 mẫu mỗi ngày, nếu tăng ca có thể lên đến 3.000 mẫu mỗi ngày”- ông Dũng thông tin.
Đồng tình với quan điểm này, PGS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng nếu cả hệ thống y tế sẵn sàng và đặc biệt người dân cùng tham gia phòng chống dịch thì khả năng phải cách ly xã hội sẽ giảm đi.