Ngày 12-6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xuất nhập cảnh, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đã đề xuất thu “phí chia tay” 3-5 USD/người/lần khi công dân xuất cảnh.
Hôm qua (14-6), Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã trao đổi với báo chí liên quan đến đề xuất này.
Không chính đáng
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Hưng giải thích: Muốn đưa “phí chia tay” vào luật nhằm làm rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của công dân và cơ quan chức năng trong bảo vệ công dân Việt Nam khi ở nước ngoài. Bên cạnh đó, mục đích của phí là để hỗ trợ cán bộ ngoại giao, hải quan tươi cười, trang thiết bị làm thủ tục xuất nhập cảnh…
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho hay các hội viên của hiệp hội nhận thấy đề xuất thu “phí chia tay” 3-5 USD chưa ổn. “Nó chưa ổn ngay từ tên gọi là “phí chia tay” đến nội dung đề xuất. Đó là chưa kể cách thu chi, quản lý phí ra sao… đều chưa được làm sáng tỏ, chưa thuyết phục” - bà Khánh nói.
Cũng theo đại diện Hiệp hội Du lịch TP.HCM, ông Hưng dẫn chứng Nhật Bản đã thực hiện thu “phí chia tay” rồi. Song qua phân tích của các công ty du lịch cho thấy hiện nay với người Việt đi du lịch nước ngoài, giá tour đã bao gồm cả thuế, phí. Ví dụ, riêng vé máy bay đã chịu nhiều khoản thuế, phí không hề thấp.
“Chưa kể, tôi được biết trong chính sách tiền lương cho công dân của Nhật Bản đã có một phần dành cho đi du lịch. Bên cạnh đó, hằng năm chính sách tiền lương của Nhật dành cho người già rất cao. Điều này cho thấy họ khuyến khích người dân đi du lịch để nâng cao sức khỏe, tái tạo sức lao động… Còn với Việt Nam thì chưa thể so sánh được như vậy cho nên không nên thu thêm “phí chia tay”” - bà Khánh nói.
Về việc ông Hưng cho rằng mức “phí chia tay” 3-5 USD là không nhiều, chỉ bằng “một bữa ăn sáng thôi”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Khánh nói: “Các công ty du lịch chưa bàn số tiền này là nhiều hay ít nhưng họ đặt vấn đề: Nó có chính đáng, hợp lý hay không? Hơn nữa, với người dân và doanh nghiệp cái gì chính đáng thì họ sẽ đóng góp, rất ý thức chứ không phải bị ép buộc”.
Đại diện một công ty chuyên đưa khách đi Nhật cũng cho hay từ đầu năm 2019 Nhật Bản đưa ra loại phí với du khách nước ngoài đến thăm Nhật, chứ không nhắm vào công dân Nhật đi xuất cảnh. Với loại phí này, mỗi người 1.000 yen (hơn 9 USD)/lần, dùng để đầu tư thêm cho ngành du lịch. Riêng với người quá cảnh dưới 24 giờ và trẻ em dưới hai tuổi được miễn phí.
“Như vậy có thể thấy đề xuất của ông Nguyễn Quốc Hưng là cách vận dụng “sáng tạo, không đụng hàng, chỉ Việt Nam mới có”! Do vậy tôi đề nghị cần phải cân nhắc kỹ, phải biết khoan thư sức dân thay vì mỗi chút mỗi thu, cái gì cũng thu. Hơn nữa vấn đề là thu chính đáng, chi minh bạch và quản lý chặt chẽ hay không” - đại diện công ty trên phát biểu.
Nếu đề xuất của ông Nguyễn Quốc Hưng được áp dụng trên thực tế thì những đoàn khách Việt đi cổ vũ bóng đá rồi về ngay trong ngày cũng phải đóng “phí chia tay”. Ảnh: TU
Muốn thu phải có cơ sở khoa học
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, đánh giá mục đích thu “phí chia tay” chưa rõ ràng. Mặt khác, hiện nay người Việt đi ra nước ngoài có nhiều mục đích như du lịch, đầu tư, chữa bệnh… Nếu đánh đồng tất cả đi ra nước ngoài rồi đè cổ ra thu phí là thiếu công bằng.
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Đức Chí, giảng viên Học viện Đào tạo quốc tế Hutech, cho rằng cần làm rõ về góc độ pháp lý và thực tiễn của đề xuất thu “phí chia tay”. Đồng thời cơ sở khoa học sử dụng nguồn “phí chia tay” vào từng mục đích cũng cần phải có số liệu minh chứng đầy đủ. Không thể nói chung là hỗ trợ cái này cái kia rồi thu “phí chia tay”.
Bên cạnh đó, quy định về thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã có từ hơn một năm rưỡi nay, trong đó đã ghi rõ nguồn vốn huy động, mục đích sử dụng. Ví dụ, quy định thu phí từ khách du lịch đến thông qua cơ sở lưu trú... Đáng tiếc là cho đến nay quỹ này vẫn chưa đi vào hoạt động, vậy tại sao lại đề xuất thu thêm “phí chia tay”?
“Theo tôi, đề xuất đánh đồng thu phí mọi người dân khi xuất cảnh là chưa hợp lý. Bởi thực tế nhiều người dân ra nước ngoài vì hoàn cảnh khó khăn, xuất khẩu lao động hoặc bắt buộc phải ra nước ngoài để giải quyết chuyện cá nhân, gia đình… Vậy tại sao bắt họ phải đóng “phí chia tay”? Chúng ta không nên so sánh với nước ngoài khi mọi thứ thuế, phí họ minh bạch cả từ cách thu lẫn cách sử dụng. Quan trọng là họ luôn đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nói cách khác, người dân được phục vụ chu đáo, có phúc lợi, thu nhập đầy đủ nên các khoản phí phát sinh mà chính phủ đặt ra họ hiểu” - ông Chí nói.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cũng nêu quan điểm nếu dùng một phần số tiền “phí chia tay” để quảng bá, xúc tiến du lịch… cũng chưa hợp lý. Bởi lẽ bản thân cơ quan quản lý nhà nước phải đầu tư chứ không thể bắt người dân phải đóng thêm phí.
Chưa kể, thái độ vui vẻ, tươi cười khi phục vụ khách là nhiệm vụ của công chức làm thủ tục xuất nhập cảnh chứ không phải cứ có phí thì mới cười. Nghĩa là không thể dùng phí để đổi lấy nụ cười của công chức làm thủ tục xuất cảnh.
“Nếu thực hiện ý tưởng này, chính các công ty lữ hành phải bỏ tiền đóng thay cho người đi du lịch. Vậy là thêm một cái khó nữa cho người kinh doanh. Do đó, chúng tôi đề nghị chưa thực hiện ý tưởng này. Tuy nhiên, nếu quyết tâm thu “phí chia tay” thì đề nghị cần có một đề án cụ thể và có sự phản biện, thuyết phục” - bà Khánh nhấn mạnh.
Tổng thư ký Quốc hội không muốn thu “phí chia tay” Tại cuộc họp báo kết thúc kỳ họp Quốc hội ngày 14-6, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, khẳng định nếu biểu quyết thì ông sẽ không đồng tình với đề xuất thêm “phí chia tay” vào trong Luật Xuất cảnh, nhập cảnh. Tổng Thư ký Quốc hội cho hay Luật Xuất cảnh, nhập cảnh mới chỉ trong giai đoạn cho ý kiến và đây mới chỉ là ý kiến phát biểu của một đại biểu Quốc hội. “Còn có tiếp thu hay không tiếp thu thì sau này Quốc hội thảo luận lần hai về dự luật này sẽ rõ. Riêng cá nhân tôi thì không đồng tình với việc thêm một loại phí cho nhân dân như thế này. Cá nhân tôi nếu biểu quyết thì không đồng tình” - Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh. TR.PHÚ - V.LONG |