Không thi hành án hành chính: Bêu tên trên báo?

Đại diện Tổng cục Thi hành án (THA) dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết Luật Tố tụng hành chính 2010 và Luật Tố tụng hành chính 2015 đều chưa quy định cơ chế hữu hiệu để buộc người phải THA thực hiện phán quyết của tòa.

Quy định trách nhiệm, chế tài

Theo hai luật này, quyết định đôn đốc THA của cơ quan THA dân sự (Luật Tố tụng hành chính 2010) và quyết định buộc THA của tòa (Luật Tố tụng hành chính 2015) được gửi cho cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan, người phải THA để theo dõi, đôn đốc THA. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy do tổ chức bộ máy, quan hệ công tác, lợi ích cục bộ… nên việc kiểm tra, đôn đốc THA của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới đã không hiệu quả. Cạnh đó, cả hai luật cũ và mới đều thiếu các quy định về trình tự, thủ tục THA…

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THA dân sự Mai Lương Khôi, một trong những nội dung quan trọng của dự thảo nghị định về THA hành chính là quy định trách nhiệm, biện pháp để buộc cơ quan, tổ chức phải nghiêm chỉnh thi hành bản án, quyết định hành chính của tòa.

Cụ thể, dự thảo quy định trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức phải THA; trách nhiệm của cấp trên trực tiếp của người phải THA, chủ tịch UBND các cấp, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc chỉ đạo, đôn đốc cấp dưới THA. Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của cơ quan THA dân sự trong việc theo dõi, đôn đốc THA.

Đặc biệt, dự thảo quy định hình thức xử lý đối với việc không THA như: chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp, cơ quan THA, cơ quan quản lý THA thuộc Bộ Tư pháp xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử phạt hành chính; đề nghị xử lý hình sự hành vi không chấp hành án.

Bà Nguyễn Thị Ghi, người chưa được UBND quận 2 (TP.HCM) THA dù bản án của tòa có hiệu lực từ tháng 12-2015. Ảnh: T.TÙNG

Bên tên trên báo, xem xét khi đề bạt?

Các thành viên ban soạn thảo đều nhận xét việc xây dựng cơ chế hữu hiệu để THA hành chính là vấn đề mới và đặc thù vì đối tượng phải THA là cơ quan nhà nước, người đứng đầu cơ quan nhà nước.

Theo ông Chu Thành Quang (Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TAND Tối cao), nghị định phải đảm bảo tính khả thi, phải quy định thật rõ các hình thức xử lý trách nhiệm. Ông Quang đề xuất: Hình thức hữu hiệu nhất là ban hành quyết định mang tính cảnh cáo gửi cho cơ quan quản lý cấp trên và công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo, đài...

“Chúng ta chưa thực hiện tốt vì không có chế tài hoặc chế tài không rõ. Nếu chúng ta quy định chặt chẽ, cụ thể, đồng bộ các hình thức xử lý vi phạm thì hoàn toàn có thể khả thi. Chẳng hạn, người không THA có thể bị xem xét trách nhiệm khi đề bạt, bổ nhiệm hay không được xem xét trong thi đua, khen thưởng” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nói.

Có chế tài cụ thể


Tôi ủng hộ việc ban hành cơ chế để THA hành chính có hiệu quả. Muốn vậy phải có các hình thức chế tài cụ thể từ thấp đến cao. Nhẹ nhất là cảnh cáo hoặc cơ quan quản lý cấp trên có quyền đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để toàn dân biết. Vi phạm nặng hơn thì có thể xử phạt hành chính hoặc xem xét trách nhiệm khi đề bạt chức vụ, bổ nhiệm vị trí lãnh đạo. Cao nhất là hai hình thức cách chức hoặc đề nghị xử lý hình sự. Tuy nhiên, vấn đề đau đầu nhất là cơ quan nào thực hiện những hình thức trên thì cần phải bàn thêm.

Luật sư BÙI QUỐC TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Mạnh tay xử hình sự


Tình hình dây dưa không chịu THA hành chính đã trở nên báo động, cần phải xử lý nghiêm, không thể xuê xoa nữa. Tôi đề nghị phải vận dụng triệt để Điều 304 BLHS về tội không chấp hành án thì mới đủ cứng rắn. Sau khi cơ quan THA đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở mà người phải THA hành chính vẫn không thi hành thì cơ quan có thẩm quyền cứ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu người phải THA là cơ quan nhà nước thì truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đó. Trường hợp nào không xử hình sự được thì chí ít cũng phải cách chức...

Luật sư PHAN NGỌC NHÀN, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk

Xử lý tùy dạng vi phạm


Nếu nghĩa vụ THA là hành vi mà người thua kiện không chịu thi hành thì cứ quy định chế tài là cách chức. Nếu nghĩa vụ THA là tài sản thì chia làm hai trường hợp: Tòa buộc phải bồi thường bằng tiền thì lấy ngân sách cấp cho cơ quan đó ra bồi thường. Tòa buộc phải trả lại tài sản thì tiếp tục chia làm hai dạng: Trả lại tài sản do bị hư hao thì lấy tiền ngân sách; trả lại toàn bộ tài sản thì liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước nên phải áp dụng biện pháp chế tài kỷ luật từ mức cảnh cáo đến buộc thôi việc.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Một số vụ không chịu thi hành án

- Từ đầu năm 2016, bà Nguyễn Thị Ghi nhiều lần yêu cầu UBND quận 2 (TP.HCM) thi hành bản án hành chính phúc thẩm của TAND TP nhưng ủy ban trả lời rằng tòa buộc ủy ban điều chỉnh giá trị hỗ trợ với phần đất bị thu hồi của bà là chưa đúng... Ủy ban đã có công văn đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, trong thời gian chờ giải quyết, ủy ban tạm ngưng THA…

Trước đó, bà Ghi khởi kiện yêu cầu TAND quận 2 hủy hai quyết định của UBND quận về việc bồi thường, hỗ trợ sau khi thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất. Tháng 7-2015, TAND quận 2 xử sơ thẩm đã bác yêu cầu của bà. Bà kháng cáo. Tháng 12-2015, TAND TP đã hủy một phần quyết định bồi thường, hỗ trợ, buộc ủy ban phải tính lại số tiền khác.

- Tháng 5-2015, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên giữ nguyên hai quyết định thu hồi đất của UBND quận 9 nhưng buộc ủy ban phải bồi thường cho hai ông Nguyễn Tấn Linh và Nguyễn Văn Lợi. Sau đó, UBND quận 9 không chịu THA với lý do đang gửi đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm và đang chờ kết quả.

Theo hồ sơ, hai ông Linh, Lợi mua hai thửa đất nông nghiệp. Năm 2006, UBND quận 9 thông báo đất của hai ông nằm trong dự án chỉnh trang phát triển đô thị. Năm 2013, UBND quận 9 ra hai quyết định thu hồi và hỗ trợ chứ không bồi thường...

- Đầu năm 2010, TAND TP.HCM đã chấp nhận một phần kháng cáo của ông Nguyễn Văn Rô, hủy quyết định bồi thường khi thu hồi đất của UBND huyện Cần Giờ để ủy ban ra quyết định khác. Sau đó, UBND huyện không chịu THA, thông báo cho ông Rô biết đang đề nghị xem xét giám đốc thẩm.

Trước đó, UBND huyện Cần Giờ thu hồi đất để thực hiện dự án mở đường Rừng Sác và bồi thường cho gia đình ông Rô hơn 706 triệu đồng. Cho rằng giá bồi thường chưa thỏa đáng, ông Rô khởi kiện…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới