LTS: Sau khi PLO đăng ý kiến của ông NGÔ CƯỜNG, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TAND Tối cao về việc nên bỏ thủ tục xin lỗi oan sai và giao việc giải quyết bồi thường cho một đầu mối như ở nước ngoài, nhiều chuyên gia luật đã nêu quan điểm về vấn đề này. Pháp Luật TP.HCMxin giới thiệu một số ý kiến bàn luận về vấn đề này. Xin lỗi oan là văn minh
Tất nhiên là mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có thể làm sai. Quan trọng là nhìn thấy cái sai đó là điều hết sức cần thiết. Khi nhận ra cái sai rồi thì có cách khắc phục sai sót để hoàn thiện chính mình.
Thủ tục xin lỗi oan sai là một văn minh, là một bước tiến trong tố tụng hình sự. Làm sai thì phải xin lỗi và bồi thường oan sai - Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Không thể bỏ qua thủ tục xin lỗi được.
Luật sư Trịnh Công Minh (Đoàn LS TP.HCM)
Nên giao cho Bộ Tư pháp làm đầu mối
Người bị oan và gia đình họ đã phải chịu bao nhiêu đau khổ, mất mát do hậu quả mà án oan mang lại. Vậy thì cơ quan làm oan tiếc gì một lời xin lỗi với họ và gia đình. Ít nhất nó cũng xoa dịu về mặt tinh thần đối với họ, đồng thời nó thể hiện sự cầu thị của cơ quan làm oan.
Người Việt mình coi trọng đạo lý, nhiều trường hợp được xin lỗi chân thành người bị oan và gia đình họ cũng thông cảm với cơ quan tố tụng, thậm chí còn nhận bồi thường ít lại.
Nhìn rộng hơn, tôi nghĩ người Việt mình cũng nên chú trọng văn hóa xin lỗi. Từ "xin lỗi anh", "xin lỗi chị"... rất cần trong
đời sống hằng ngày. Chỉ vì không chịu nói câu xin lỗi mà rất nhiều vụ xung đột lặt vặt trong sinh hoạt lại gây ra hậu quả xấu.
Quay trở lại chuyện án oan, theo tôi vẫn phải giữ thủ tục xin lỗi người bị oan. Tuy nhiên, luật nên
sửa đổi theo hướng giao cho Bộ Tư pháp làm đầu mối xin lỗi và bồi thường trong tất cả vụ án oan thay vì giao cho các cơ quan làm oan như hiện nay. Bộ Tư pháp cũng là cơ quan đại diện cho Nhà nước, sẽ đảm bảo được tính độc lập và khách quan.
Luật sư Đặng Trường Thanh (Đoàn LS TP.HCM)
Ông Võ Gia Bình - Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh thay mặt liên ngành tố tụng Bình Chánh xin lỗi ba người bị oan vụ "đi tè bị quy tội cướp". Ảnh: Hoàng Giang
Xin lỗi cũng là để minh oan Tôi nghĩ làm sai thì phải xin lỗi là đương nhiên, không có gì phải bàn cãi nữa.
Sở dĩ người bị oan sai muốn được cơ quan có thẩm quyền minh oan cho họ vì khi bị bắt, bị khởi tố thì cả dòng họ, bà con lối xóm ai cũng biết. Nhưng đến khi họ được thả ra thì những người kia đâu có biết rằng họ được thả ra vì nguyên nhân nào nên theo tôi cần lắm những lời xin lỗi từ những người có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, đối với phía bị hại, nếu hết thời hiệu
điều tra vẫn chưa xác minh được hung thủ thì Nhà nước cũng phải xin lỗi họ. Bởi tính mạng, danh dự của công dân cũng cần được Nhà nước bảo vệ. Riêng đối với trường hợp còn thời hiệu nhưng thời hạn xác minh điều tra hết thì Nhà nước vẫn phải gửi thư xin lỗi để cho gia đình họ cảm thấy mình còn được tôn trọng.
Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM)
Lãnh đạo của một VKSND đã từng đại diện cho cơ quan đi xin lỗi người bị làm oan chia sẻ: "Theo luật, với tư cách là người đứng đầu nên tôi phải thay mặt cơ quan đến xin lỗi người bị oan, còn người gây ra oan sai đã bị điều chuyển công tác đi nơi khác nên không đi xin lỗi. Tôi thấy rằng từ lúc đi xin lỗi đến nay tôi làm việc gì cũng phải cẩn trọng hơn trước rất nhiều, những đóng góp từ phía luật sư và cả phía báo chí tôi đều lắng nghe, thấy chưa ổn là tôi phải kiểm tra lại ngay lập tức. Tôi không dám chủ quan bất cứ việc gì, luôn đặt trách nhiệm lên hàng đầu”. Lãnh đạo của Cục THADS tỉnh: “Xin lỗi là rất cần thiết. Tôi cho rằng xin lỗi không thể qua loa nhận đại cho xong và cũng không được hình thức. Mình phải làm sao cho người được xin lỗi cảm thấy được sự tôn trọng thì họ sẽ bỏ qua thôi. Chẳng hạn mới đây tôi tiếp bà con, do một chi cục có những thiếu sót khiến bà con họ bức xúc. Trong lúc tiếp, tôi đứng ra nhận hết khuyết điểm và ghi thẳng vào biên bản tiếp công dân. Bà con thấy mình cầu thị, họ thông cảm bỏ qua và còn rút đơn khiếu nại”. NGÂN NGA ghi |