Như Báo Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, chiều 23-6, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Lễ trao tặng bằng khen cho hai lão nông Nguyễn Công Uẩn và Nguyễn Tiến Lãng (Thuận Thành, Bắc Ninh) có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tiêu cực.
Ông Uẩn và ông Lãng là hai lão nông đã góp phần “khui” gần 3.000 bộ hồ sơ thương binh giả. Tuy nhiên một thời gian dài không được công nhận và khen thưởng. Vụ việc đã được Báo Pháp Luật TP.HCM phát hiện và phản ánh trên nhiều số báo.
Hai lão nông trong lúc chờ buổi lễ bắt đầu
Tại buổi lễ, đích thân Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã trao bằng khen cho hai ông. Ngoài ra, hai ông cũng nhận được số tiền thưởng 1,2 triệu đồng/người.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tiền thưởng của hai lão nông được trích từ quỹ thi đua khen thưởng của Bộ này. Số tiền bằng 1 lần lương tối thiểu hiện nay. Như vậy, ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn nhận được số tiền thưởng là 1,2 triệu đồng
Trao đổi với PV ngay tại buổi lễ, ông Nguyễn Công Uẩn cười: “Tôi đấu tranh không phải vì bằng khen, càng không phải vì tiền. Lý do bởi chúng tôi muốn đưa cái xấu ra ngoài ánh sáng. Ngày hôm nay, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức buổi lễ này, điều đó chứng tỏ sự đấu tranh của chúng tôi đã được ghi nhận, cả nước đã biết đến tinh thần của chúng tôi. Đó mới là điều quan trọng”.
Năm 2010, sau rất nhiều đấu tranh tư tưởng với chính bản thân, hai ông Nguyễn Công Uẩn và Nguyễn Tiến Lãng đã quyết định đứng lên tố cáo việc nhiều người không đi bộ đội hoặc chỉ bị tai nạn xe máy, cụt một ngón tay cũng được công nhận là thương binh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng bằng khen cho hai lão nông
Từ tố cáo của hai ông, ngày 21-4-2015, Bộ LĐ-TB&XH thông báo Công an tỉnh Bắc Ninh và Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã tiến hành khởi tố, điều tra các vụ án liên quan.
Theo kết quả điều tra, số đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ phải kiến nghị đình chỉ trợ cấp là 2.745 người, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỉ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước mỗi năm 20 tỉ đồng. Trong vụ việc này, đã có 24 đối tượng bị xử lý hình sự.
Sau đó, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tiến hành xét tặng bằng khen của bộ trưởng cho hai ông vì có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH đã hai lần có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến hiệp y về tình hình chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương của hai ông nhưng không được trả lời.
Để có được những kết quả trên, hai lão nông phải đối diện với không ít khó khăn, thậm chí ngay từ gia đình.
Ông Uẩn cho hay cả nhà đã ra sức ngăn cản ông tiếp xúc với người ngoài, đặc biệt là ông Lãng. Thậm chí con cái của ông đã triệu tập” một cuộc họp gia đình”, tại đây, tất cả đều nói răng ông đang “con kiến kiện củ khoai”, đồng thời đưa ra điều kiện “một là bố bỏ gia đình, hai là bỏ kiện”. Tiếp đó, các thành viên thực hiện lệnh “cấm vận” đối với ông như không cho tiền tiêu xài, những lá đơn viết chưa kịp gửi cũng bị vợ, con tìm và đốt. Chưa hết, ông Uẩn từng bị các đối tượng lạ mặt lao xe vào người khi đạp xe đi gửi đơn. Có lần vào 30 Tết, ông còn bị một người lao vào nhà đánh chảy máu.
Còn với ông Nguyễn Tiến Lãng, từ ngày ông đi tố cáo cũng gian nan không kém. Ông Lãng cho biết cả gia đình trông chờ vào khoản tiền lương hưu 2,3 triệu đồng của ông nhưng khi tố cáo ông phải dùng hết khoản tiền này để đi thu thập hồ sơ, phôtô tài liệu. Do không đưa tiền hưu về, vợ ông không nấu cơm, giặt đồ cho ông. Cuối cùng, ông phải ở riêng một góc trong nhà và hằng ngày tự chăm sóc cho bản thân,…