Kịch bản nào nếu Hy Lạp rời khu vực đồng euro?

Về kinh tế, nếu Hy Lạp bỏ euro lấy nội tệ cũ drachma, rủi ro kinh tế cao sẽ không tránh khỏi. Theo dự báo, sau khi đổi tiền, công dân Hy Lạp sẽ quay trở lại đồng euro như hầm trú ẩn an toàn trước những dấu hiệu bất ổn của kinh tế.

Về chính trị, một quốc gia ra khỏi khu vực đồng euro là sự kiện chưa có tiền lệ và cũng ảnh hưởng đến tính thống nhất châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) ra đời với tiêu chí là kết hợp các quốc gia dựa vào tinh thần tự nguyện và đồng thuận trên sự khác biệt. Hy Lạp ra đi đồng nghĩa với một bước lùi cho kế hoạch EU thống nhất.

Hiện nay bóng ma “Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro” đã trở lại sau khi Hy Lạp không thể thành lập chính phủ liên minh và phải chuẩn bị bầu cử lại Quốc hội vào ngày 17-6 tới.

Các chuyên gia nhận định lần này nếu Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro sẽ mang đến nhiều tổn hại dù Hy Lạp chỉ đóng góp 2,2% trong GDP của khu vực này. Hy Lạp nợ châu Âu số tiền khổng lồ bao gồm tiền vay của EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ước tính khoản nợ vay đó đã lên đến 500 tỉ USD.

Nếu ra khỏi khu vực đồng euro, có thể Hy Lạp không trả đúng hẹn. Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ mất hết khoản vốn dự trữ và các quốc gia khác phải bù đắp lại khoản tiền này.

Kịch bản nào nếu Hy Lạp rời khu vực đồng euro? ảnh 1

Hy Lạp ở lại khu vực đồng tiền chung euro đến lúc nào? Biếm họa của PETAR PISMESTROVIC, báo Kleine Zeitung (Áo).

Báo Les Échos (Pháp) ngày 22-5 ghi nhận châu Âu sẽ phải trả giá rất đắt cho hai khoản nợ của Hy Lạp.

Nợ công: Những người đóng thuế ở châu Âu sẽ phải gánh gần 291 tỉ euro nợ công Hy Lạp qua ba kênh: Các khoản cho vay của chính phủ các nước châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và các khoản cấp vốn được bảo đảm bằng Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu.

Tính về khoản này thì chính các nước nhỏ trong khu vực đồng euro gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chứ không phải Pháp và Đức. Nếu tin vào số liệu của Ngân hàng đầu tư quốc tế Barclays Capital (Anh) và tính các khoản cho Hy Lạp vay theo tỉ lệ GDP, Estonie và Malta phải gánh thiệt hại 4,5% PIB, kế đến là Slovakia (3,8% GDP) và Slovenia (3,7% GDP). Trong khi đó, Pháp cho Hy Lạp vay 63,3 tỉ euro (3,2% GDP) còn Đức cho vay 84,5 tỉ euro (3,3% GDP).

Hệ thống ngân hàng: Tập đoàn tài chính Nomura Securities (Nhật) đánh giá các ngân hàng châu Âu đang chịu trách nhiệm đối với 5,4 tỉ euro trái phiếu chính phủ Hy Lạp. Tuy nhiên, số nợ các doanh nghiệp tư nhân phi tài chính Hy Lạp đang nợ các ngân hàng châu Âu đã lên đến hơn 65 tỉ euro.

Thương mại: Báo Les Échos (Pháp) nhận định nếu Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro, Pháp sẽ là nước bị thua thiệt nhất.

Hy Lạp là nước có thặng dư mậu dịch số 1 của Pháp trong khu vực đồng euro và số 2 trong EU sau Anh. Các ngân hàng Pháp đang là chủ nợ của khoản vay 37,6 tỉ của các doanh nghiệp tư nhân phi tài chính Hy Lạp. Ngoài ra phải kể đến các khoản đầu tư trực tiếp của Pháp vào Hy Lạp.

Đại sứ quán Pháp ở Hy Lạp cho biết có khoảng 150 công ty có vốn đầu tư của Pháp hoạt động ở Hy Lạp và Pháp là chủ tuyển dụng tư nhân số 1 ở Hy Lạp với 30.000 nhân viên làm cho các chi nhánh Pháp. Mọi lĩnh vực kinh doanh của Hy Lạp đều có mặt người Pháp, từ dược phẩm, hàng không đến chế tạo xe, du lịch.

Nhà kinh tế học nổi tiếng Hy Lạp Yannis Stournaras cho rằng “việc bỏ khu vực đồng euro giống như một trận động đất lớn hay một quả bom nguyên tử” và “cuộc sống sẽ không còn nữa và sẽ quay trở về vạch xuất phát”.

Tuy vậy, chuyên gia Nick Parsons của Ngân hàng Quốc gia Úc lại nhận định khác. Nick Parsons cho rằng khu vực đồng euro sẽ không sụp đổ mà thay vào đó sẽ đánh dấu một khởi đầu mới. Giáo sư kinh tế Carsten Hefeker ở Đại học Siegen (Đức) ghi nhận: “Đức đang mạnh mẽ theo đuổi ý kiến mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro”.

RIA Novosti (Nga) ngày 24-5: Công ty Dow Jones dẫn nguồn từ Ngân hàng Mỹ Citigroup nhận định đầu năm 2013 Hy Lạp có thể rời khu vực đồng euro do tình hình chính trị bấp bênh và căng thẳng giữa chính phủ Hy Lạp với các chủ nợ. Tuy nhiên, Hy Lạp sẽ không ra khỏi Liên minh châu Âu.

Reuters (Mỹ) ngày 16-5: Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick nhận xét Tây Ban Nha và Ý sẽ lãnh đủ nếu Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro và phản ứng dây chuyển sẽ tàn khốc như lúc Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Lehman Brothers phá sản năm 2008.

Il Sole 24 Ore (Ý) ngày 25-5: Tổng Giám đốc Viện Tài chính Quốc tế (IIF) Charles Dallara đề nghị châu Âu trang bị cơ chế bảo toàn vốn ngân hàng vì Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro có thể gây thiệt hại cho Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và gây bất ổn đến kinh tế thế giới.

H.DUY - TRƯƠNG MINH - THẢO NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm