Sáng 23-5, Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon 2024 với chủ đề “Tinh hoa hàng Việt - Cất cánh toàn cầu” đã diễn ra tại TP.HCM. Sự kiện do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) - Bộ Công Thương và Amazon Global Selling Việt Nam đồng tổ chức.
Hàng Việt kiếm triệu đô trên sàn thương mại điện tử quốc tế
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết Việt Nam đang lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) nhanh nhất khu vực và thế giới. Điều này có được nhờ vào tốc độ tăng trưởng trung bình của TMĐT bán lẻ, đạt khoảng 20% trong 10 năm qua.
Cùng với đó, nước ta đang có nhiều lợi thế, cơ hội xuất khẩu qua thương mại điện tử toàn cầu khi tốc độ hội nhập ngày càng sâu rộng, tham gia các hiệp định thương mại tự do, cũng như tốc độ chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang nền tảng số cao.
Ở góc độ thực tiễn, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling nhìn nhận, trong 5 năm qua số lượng sản phẩm Việt bán ra trên Amazon tăng 300%. Chưa kể, năng lực xuất khẩu qua thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt ngày một phát triển. Số lượng nhà bán đạt doanh thu 1 triệu USD/năm trên Amazon đã tăng gấp 10 lần trong khoảng thời gian từ 2019-2023.
"Cùng với đó, nhận thức về bảo vệ thương hiệu đã tăng gấp 35 lần kể từ thời điểm 2019. Số liệu này thể hiện qua việc nhà bán Việt đã tham gia các chương trình đăng ký thương hiệu trên Amazon cũng như các giải pháp số mà chúng tôi đưa ra" - ông Gijae Seong nói.
Điều này cho thấy nhà bán hàng Việt Nam ngày càng năng động và chủ động trong việc khẳng định được vị thế trên toàn cầu.
Nhà bán hàng Việt vẫn còn tư duy lướt sóng trong kinh doanh
Đi cùng với các kết quả tích cực trong kinh doanh, lãnh đạo Amazon Global Selling vẫn thẳng thắn thừa nhận thực tế: Nhiều doanh nghiệp Việt còn chưa thực sự sẵn sàng, hoặc thiếu nguồn lực, nhân lực cho công cuộc chuyển đổi số và chưa tìm ra cơ hội hoặc thị trường ngách để phát triển thị trường quốc tế.
Vị này cho biết đối với nhà bán hàng Việt Nam, Amazon thường phân làm hai nhóm: Nhóm nhà bán đã từng kinh doanh online và nhóm nhà bán truyền thống.
"Đối với nhóm thứ nhất, họ sẽ có nhiều kỹ năng về bán hàng trên môi trường số nhưng lại thiếu tầm nhìn dài hạn. Các nhà bán này vẫn kinh doanh theo kiểu lướt sóng hoặc tham gia với một tâm thế thử nghiệm như mang thử sản phẩm đã bán tốt ở Việt Nam ra thị trường quốc tế để xem triển vọng đón nhận thế nào.
Họ chưa chú trọng xây dựng thương hiệu và chiến lược một cách dài hạn nghiêm túc. Họ chỉ làm sản phẩm và bán sản phẩm dựa trên tính lợi nhuận. Đây không phải là cách tiếp cận để mang lại thành công dài hạn trên đấu trường quốc tế.
Tương tự, ở nhóm các doanh nghiệp truyền thống vốn sở hữu kinh nghiệm và lợi thế bán hàng B2B (bán cho doanh nghiệp) nhưng thiếu trải nghiệm trên thị trường B2C (bán cho người dùng cuối) qua TMĐT. Nhóm này chưa nhanh nhạy trong việc thay đổi, chiều ý khách hàng quốc tế" - ông Gijae Seong phân tích.
Ở góc độ quản lý nhà nước, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp.
Đặc biệt tại miền Nam, những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt như thiếu kỹ năng tham gia thị trường xuyên biên giới, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu thông tin về xu hướng và các quy định liên quan của thị trường nước ngoài.
Nhiều giải pháp kinh doanh bền vững
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, để giải quyết các khó khăn trên, rất cần sự phối hợp chung tay của cơ quan quản lý, sàn thương mại điện tử lớn, các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử cũng như sự nỗ lực đến từ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần chủ động cập nhật xu hướng, phân tích được lợi thế và khó khăn của nội tại doanh nghiệp. Từ đó có định hướng về ngành nghề xuất khẩu, sao cho phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại quốc gia mình muốn hướng tới.
Tiếp đó, nhà bán phải liên tục có sự đánh giá, tổng kết các hoạt động theo từng tháng hoặc quý để có những nhìn nhận trong mùa kinh doanh tiếp theo.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang kết hợp cùng các đơn vị liên quan và sàn Amazon để triển khai sáng kiến “Liên kết ngành nghề - tăng trưởng cùng TMĐT xuyên biên giới”.
Sáng kiến nhằm mở rộng triển vọng xuất khẩu ở nhiều nhóm ngành hàng đang bứt tốc như gỗ và các sản phẩm gỗ, may mặc, làm đẹp có sử dụng các nguyên liệu tự nhiên bản địa…
Muốn vươn ra biển lớn, nhà bán cần trả lời ba câu hỏi: Bạn đã đủ nhanh nhạy chưa, có đủ năng động hay chưa? Có tận dụng hết các số liệu mà nền tảng số cung cấp cho nhà bán để đọc vị được người tiêu dùng quốc tế chưa? Và cuối cùng bạn đã nghiêm túc đầu tư và đủ tầm nhìn hay chưa?
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling
Theo ông Gijae Seong, nhà bán Việt cần bỏ tư duy kinh doanh ngắn hạn, hoặc bê nguyên sản phẩm mạnh ở thị trường nội địa ra quốc tế, bởi mỗi thị trường có một thị hiếu khác nhau.
Ngành gỗ xuất khẩu qua sàn TMĐT xuyên biên giới tăng
Nhiều doanh nghiệp gỗ trong nước đã chọn xuất khẩu qua thương mại điện tử. Theo ghi nhận, doanh số xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên TMĐT có sự tăng trưởng vượt bậc.
Dù vậy, mức độ tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế khi phần lớn là gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài.
Cùng với đó, đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường.
Để thúc đẩy sản phẩm gỗ nội thất Việt vươn tầm thế giới thông qua TMĐT, các doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản phẩm, thương hiệu riêng của mình. Đặc biệt cần nâng cao năng lực vận hành khi tham gia thị trường kinh doanh số của quốc tế
Ông Phùng Quốc Mẫn, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM.