Theo các chuyên gia và doanh nghiệp (DN), khi xuất khẩu truyền thống còn khó lường thì xuất khẩu trực tuyến đang mang lại cơ hội vàng cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ.
Tăng đầu tư vào Việt Nam
Tháng 7-2023, Tập đoàn Alibaba tuyên bố sẽ tăng cường đầu tư tại các trung tâm sản xuất mới nổi của Việt Nam gồm Bình Dương, Bắc Ninh, Long An, Đà Nẵng, Hải Phòng. Từ đó thu hút nhiều DN, đặc biệt là DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ (SME) tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới.
Mặc dù quy mô đầu tư cụ thể không được tiết lộ nhưng 3 năm tới, tập đoàn này cho biết sẽ hoàn tất việc lập các đội chuyên trách hoạt động tại các trung tâm sản xuất mới nổi nói trên.
Đồng thời cung cấp các gói hỗ trợ về kinh doanh, hậu cần, giúp giảm gánh nặng cho DN khi xuất khẩu hàng thông qua TMĐT.
Trao đổi với PLO, ông Mike Zhang, Giám đốc quốc gia Alibaba Việt Nam tái khẳng định Việt Nam đang sở hữu nhiều chỉ dấu tốt cho tương lai của xuất khẩu online. Đó cũng là lý do mà Alibaba sẽ tiếp tục có những chính sách phát triển cho thị trường Việt Nam, tập trung vào nhóm các DN SME trong năm 2024.
Tương tự, ông lớn Amazon cũng kỳ vọng khi các DN SME được hỗ trợ và tăng cường xuất khẩu online thì kim ngạch xuất khẩu qua TMĐT có thể đạt 12 tỉ USD vào năm 2027. Với tốc độ này thì bán lẻ xuyên biên giới sẽ trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam trong tương lai.
Ông Eric Broussard, Phó chủ tịch Tập đoàn Amazon nhấn mạnh Việt Nam là một mắt xích cung ứng mới nổi của TMĐT toàn cầu.
"Chúng tôi đề cao năng lực sản xuất, tinh thần khởi nghiệp và tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng của Việt Nam. Đó là lý do chúng tôi cam kết nâng cao sự hiện diện của Amazon tại Việt Nam, tiếp tục đồng hành thúc đẩy doanh nghiệp Việt thành công cùng Amazon" - ông Broussard nói.
Doanh nghiệp Việt nên phát triển các sản phẩm chủ lực
Để tìm kiếm cơ hội phát triển trên thị trường toàn cầu, ông Mike Zhang cho rằng các sản phẩm thân thiện với môi trường đang có nhu cầu cao trên toàn cầu. Đây cũng là cơ hội lớn cho các DN Việt Nam.
Trong đó, các ngành được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh về xuất khẩu bao gồm thực phẩm và đồ uống, nông nghiệp, nhà cửa & vườn, nội thất và làm đẹp.
“Sự trùng hợp may mắn là cả 5 ngành hàng này đều là 5 ngành hàng Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ. Chưa kể, 5 lĩnh vực này không chỉ phát triển mạnh ở thị trường Việt Nam mà còn nằm trong top 8 danh mục thu hút rất nhiều người mua quốc tế trên Alibaba.com”- ông Mike Zhang nói.
Tương tự, tại Amazon, theo dự đoán của đơn vị này thì nhà cửa, nhà bếp, sức khỏe - chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp đang là 5 ngành hàng “made in Vietnam” bán chạy nhất trên Amazon.
Dù vậy, theo 2 ông lớn TMĐT xuyên biên giới, để tạo ra dấu ấn cho khu vực, các nhà xuất khẩu Việt Nam nên tận dụng thế mạnh nguồn cung địa phương để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu trực tuyến.
Đơn cử như các SME tuy có quy trình sản xuất nhỏ nhưng có thể phát triển sản phẩm linh hoạt và đáp ứng nhanh hơn nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, chúng ta có thể đẩy mạnh tính văn hóa thông qua nghề thủ công và các thiết kế truyền thống của Việt Nam để tạo ra bản sắc thương hiệu đặc biệt, thu hút người tiêu dùng quốc tế đang tìm kiếm các sản phẩm hữu dụng và đậm nét văn hóa riêng.
“Trong quá trình phát triển sản phẩm, các DN Việt Nam cần phân tích những ưu và nhược điểm của sản phẩm, đồng thời tận dụng lợi thế cung ứng địa phương để thành công trên thị trường xuất khẩu trực tuyến toàn cầu.
DN có thể cung cấp những sản phẩm độc đáo phản ánh sự phong phú về văn hóa của Việt Nam trong khi vẫn duy trì được hiệu quả chi phí và tính linh hoạt trong sản xuất” - ông Mike Zhang nói.