Kiếm bộn tiền nhờ dám đổi mới cách bán hàng

(PLO)- Dù đại dịch đang dần đi qua nhưng thương mại điện tử và kinh doanh đa nền tảng vẫn là nơi bán hàng có nhiều tiềm năng phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Nếu như trong hai năm qua không có sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) cùng các hình thức bán hàng đa kênh và sự nhanh nhạy chuyển đổi số của các nhà kinh doanh thì nền kinh tế khó có sự phục hồi theo kỳ vọng”. Ông Nguyễn Tấn Vương, đại diện NielsenIQ Việt Nam, đánh giá như trên tại hội thảo “TMĐT, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch” diễn ra ngày 10-5.

Chính vì thế, ông Vương cho rằng các nhà kinh doanh cần đầu tư mạnh hơn vào TMĐT cũng như các kênh mua sắm đa kênh để tạo trải nghiệm liền mạch giữa mua sắm online và offline.

Doanh thu tăng đột biến

Đánh giá về hiệu quả từ kênh TMĐT, Foodmap, một đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản Việt Nam, cho biết: Chỉ trong năm tháng đầu năm nay, doanh số bán hàng của đơn vị đã tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái. Gần đây nhất trong lễ hội mua sắm trên Lazada, Foodmap đã bán được 5 tấn cam chỉ trong ba ngày. Con số này cho thấy sức mạnh mà TMĐT mang lại cho nhà kinh doanh.

Tương tự, ông Kiều Tấn Vũ, Giám đốc marketing chuỗi siêu thị Hải Sản Hoàng Gia, nhấn mạnh việc bán hàng đa kênh, nhất là TMĐT không chỉ giúp đơn vị phát triển thêm “tệp” khách hàng đồ sộ tại TP.HCM mà còn các tỉnh lân cận.

Các doanh nghiệp đa dạng hóa phương thức bán hàng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện nay. Ảnh: THU HÀ

Các doanh nghiệp đa dạng hóa phương thức bán hàng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng
hiện nay. Ảnh: THU HÀ

“Để tính toán trước sức ép mua sắm từ khách hàng và tính cạnh tranh trong thương mại, ngoài những cửa hàng trực tiếp, chúng tôi còn mở gian hàng trên các sàn TMĐT như Tiki, Lazada hay trên các ứng dụng công nghệ Grab, Beamin, ShopeeFood. Nhờ đó đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, đẩy mạnh doanh thu và nhận diện thương hiệu. Đặc biệt trong đợt dịch vừa qua, việc bán hàng đa kênh không những giúp chúng tôi trụ vững mà còn thúc đẩy doanh số bán hàng tăng 30%” - đại diện Hải Sản Hoàng Gia nói.

Tuy nhiên, theo ông Vũ, nhược điểm lớn nhất hiện nay của các ngành hàng tươi sống khi bán trên sàn TMĐT là khâu vận chuyển. Đặc điểm của ngành hàng này là cần sự nhanh chóng để đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Nếu giải quyết được bài toán trên, không chỉ doanh thu tăng vọt mà còn hình thành thêm kênh mua sắm quen thuộc của người tiêu dùng.

Dưới góc độ sàn TMĐT, bà Phạm Thị Quỳnh Trang, Giám đốc thương mại Lazada Việt Nam, đánh giá trong đại dịch TMĐT là cầu nối thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số, nối liền đứt gãy thị trường. Tại Việt Nam, có tới 85% khách hàng chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến kể từ khi dịch bùng phát.

“Thực tế các đơn vị sản xuất, kinh doanh ngày càng coi trọng việc chuyển đối số, kinh doanh trên sàn TMĐT. Cùng với đó bản thân các sàn cũng có những chính sách phát triển bền vững. Đây đều là những yếu tố để TMĐT Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch” - bà Trang nhấn mạnh

Mạnh dạn bước ra ngoài “chiếc hộp”

Mặc dù TMĐT là kênh bán hàng đầy tiềm năng, song dưới góc độ của doanh nghiệp vận chuyển, ông Thái Bá Minh, đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post), nhấn mạnh rằng các nhà kinh doanh cần phải hiểu sản phẩm của chính mình nhiều hơn nữa trước khi tham gia vào chuyển đổi số, kinh doanh số. Bởi thực tế không phải bất kỳ sản phẩm nào kinh doanh online cũng thành công, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

“Làm sao để vận chuyển mặt hàng hải sản tươi sống nhanh hơn khi bán trên sàn TMĐT? Trước hết nhà kinh doanh cần hiểu mặt hàng hải sản nào nên bán trên sàn. Từ đó để khi vận chuyển xa vẫn đảm bảo được độ tươi ngon, hương vị và giúp khách hàng ở lại lâu hơn với thương hiệu của mình” - ông Minh gợi ý.

Ông Tom Peng, Giám đốc điều hành GoSELL, cũng nhấn mạnh để phục hồi và tăng trưởng doanh số, các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ nên xây dựng thương hiệu online với website cùng ứng dụng trên điện thoại để giúp khách hàng nhớ đến thương hiệu của mình. Cùng với đó, nhà kinh doanh cần tận dụng nền tảng tiếp thị liên kết sẵn có để tăng lượng khách hàng cũng như tạo chương trình khách hàng thân thiết nhằm níu giữ lượng khách trung thành với thương hiệu của mình.

Các chuyên gia đồng tình với quan điểm trên và cho rằng doanh nghiệp cần mạnh dạn “bước qua chiếc hộp cũ kỹ”, tức những cách tiếp cận khách hàng không còn mới mẻ. Thay vào đó hãy tiếp cận nhiều hơn nữa các phương thức quảng cáo như mua sắm kết hợp giải trí, livestream, hay tận dụng những người sáng tạo nội dung trên các mạng xã hội Intagram, TikTok… Từ đó đưa sản phẩm của mình gần hơn với người tiêu dùng.

“Hãy tạo ra những nội dung chân thật, sáng tạo và đừng chỉ đứng từ góc nhìn của người xem mà có thể là góc nhìn của cây cỏ, động vật, trẻ em… Thực tế đã có những quảng cáo quảng bá du lịch không đơn thuần là quay cảnh đẹp dưới góc nhìn của người quay phim, mà họ gắn góc nhìn (camera) trên đầu một chú cừu, một chú ngựa… để rong ruổi và nhìn thấy cảnh đẹp kỳ vĩ của thiện nhiên. Và video quảng bá du lịch này đã nhận được vô số lời tán thưởng từ độc giả lẫn khách du lịch” - bà Hoàng Anh Thư, đại diện Pencil Group, dẫn chứng.

Phân khúc giá 200.000-500.000 đồng dễ chốt đơn nhất

Báo cáo toàn cảnh kinh doanh sàn TMĐT nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn chỉ ra Việt Nam đang trở thành thị trường TMĐT lớn thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Hiện nay, ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng - đời sống… được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên bốn sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.

Cũng theo báo cáo này, phân khúc giá 200.000-500.000 đồng dễ “chốt đơn” nhất trên tất cả sàn TMĐT. Trong khi đó, những sản phẩm có giá trị cao, cần sự tư vấn và bảo hành lâu dài thì người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm tại các cửa hàng, showroom uy tín.

Trong một khảo sát về hành vi mua sắm trực tuyến do Lazada thực hiện với sự hợp tác của đối tác nghiên cứu thị trường Milieu Insight công bố hồi tháng 3-2022 cho thấy: 81% người Việt khi được hỏi cho biết họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày; tỉ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt đang dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu nội địa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm