Trước đó, vào tháng 10-2015, Chi cục QLTT Bến Tre đã xử phạt Công ty Ba Lá Xanh 52 triệu đồng vì cho rằng sản phẩm phân bón của công ty không phù hợp với tiêu chuẩn công bố. Trong khi đó, công ty cho rằng quyết định xử phạt sai cả hình thức lẫn nội dung vì thành phần kiểm tra không đúng, vi phạm ghi chung chung, việc lấy mẫu và áp dụng căn cứ xử phạt sai…
Tại phiên tòa sơ thẩm nói trên, các bên đều giữ nguyên quan điểm. Trước khi vào nghị án, HĐXX yêu cầu đại diện kiểm sát viên (VKS) phát biểu quan điểm. Sau khi phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của HĐXX và những người tham gia tố tụng, đại diện VKS đã có vi phạm là “lấn sân” thẩm quyền của HĐXX khi nêu luôn quan điểm kết luận về việc giải quyết nội dung vụ án.
Cụ thể, đại diện VKS đã phân tích về nội dung vụ việc rồi đưa ra kết luận rằng Chi cục QLTT đã đúng về trình tự, thủ tục trong việc kiểm tra, lập biên bản và xử phạt. Công ty Ba Lá Xanh đã có hành vi bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố, việc chi cục trưởng Chi cục QLTT Bến Tre xử phạt công ty là có căn cứ... Về tính có căn cứ của việc khởi kiện, đại diện VKS “phán” luôn: Các tài liệu chứng cứ của người khởi kiện đưa ra là không chứng minh được yêu cầu nên không được chấp nhận… Sau đó, HĐXX vào nghị án và ra tuyên bố bác các yêu cầu khởi kiện của Công ty Ba Lá Xanh.
Điều 160 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) 2010 (về phát biểu của KSV tại phiên tòa sơ thẩm) quy định rất rõ: Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, KSV phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của thẩm phán, HĐXX và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm nghị án. Như vậy, luật không cho phép KSV được phát biểu ý kiến về nội dung giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm.
Điều 190 Luật TTHC 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7) quy định ngoài việc phát biểu về tố tụng thì KSV còn được “phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án”. Tuy nhiên, vụ kiện trên áp dụng Luật TTHC 2010 chứ không phải Luật TTHC 2015 nên việc KSV “tự thực hiện” theo luật mới là sai.
Theo TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM), việc KSV phát biểu cả về nội dung giải quyết vụ án theo hướng nhận định, phân tích, đưa ra kết luận trong khi luật không cho phép sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng cho một bên đương sự trong vụ án. Cạnh đó, lẽ ra với vai trò điều khiển phiên tòa, thẩm phán chủ tọa phải “cắt” phần phân tích, kết luận về nội dung này và yêu cầu KSV thực hiện đúng quy định.
“Như vậy là đã có vi phạm tố tụng trong việc giải quyết vụ án mà người vi phạm lại chính là người thực hiện nhiệm vụ giám sát về tố tụng. Do đó, người khởi kiện hoàn toàn có quyền kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét về vi phạm này” - TS Tiến nói.