Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đã soát xét của công ty mẹ và các công ty con. Trong báo cáo này có ghi lưu ý của đơn vị kiểm toán Ernst & Young về phần thuyết minh tài sản cố định vô hình đối với thương hiệu "Kinh Đô".
Kiểm toán cho rằng chưa có cơ sở để đánh giá thương hiệu Kinh Đô có giá 50 tỷ đồng. |
Tại phần thuyết minh số 9 của báo cáo tài chính, Kinh Đô cho biết từ 6/9/2002, Công ty đã ghi nhận thương hiệu "Kinh Đô" là tài sản cố định vô hình với giá trị 50 tỷ đồng, thể hiện phần góp vốn của Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô. Thương hiệu này được khấu trừ theo phương pháp đường thẳng trong vòng 20 năm và đã bao gồm trong tổng tài sản của Công ty cổ phần Kinh Đô vào ngày 30/6/2012.
Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04 và Công văn số 12414 do Bộ Tài Chính ban hành 3/10/2005, thương hiệu mặc dù là tài sản vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không được ghi nhận là tài sản vì (1) Nó không phải là nguồn lực có thể xác định được, (2) Không đánh giá được một cách đáng tin cậy và (3) Doanh nghiệp không kiểm soát được. |
Cũng tại phần thuyết minh này, tính tới 30/6/2012, sau gần 10 năm được ghi nhận là tài cố định vô hình, giá trị thương hiệu "Kinh Đô" đã được khấu trừ gần 24,17 tỷ đồng và giá trị còn lại là hơn 25,83 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cơ quan kiểm toán Ernst & Young cho rằng, khoản 50 tỷ đồng thể hiện giá trị thương hiệu "Kinh Đô" mà công ty đề cập trong báo cáo tài chính không đủ cơ sở để ghi nhận là tài sản cố định vô hình. Lý giải ý kiến này, Ernst & Young cho rằng, theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và công văn của Bộ Tài chính "thương hiệu được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là tài sản cố định vô hình".
Cũng theo đơn vị kiểm toán, việc KDC "khấu trừ thương hiệu Kinh Đô trong 20 năm và số khấu trừ này được tính trong báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng là 1,25 tỷ đồng làm giảm lợi nhuận sau thuế trong kỳ của tập đoàn với số tiền tương đương".
Đồng thời, Ernst & Young nhận định, giá trị khấu trừ lũy kế vào ngày 30/6 là gần 24,17 tỷ đồng đã làm giảm khoản lợi nhuận chưa phân phối cũng vào ngày này của KDC với số tiền tương đương. Tương tự, việc ghi nhận tài sản thương hiệu Kinh Đô cũng làm tăng giá trị tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của tập đoàn với số tiền lần lượt là hơn 25,83 tỷ và 50 tỷ đồng vào ngày 30/6/2012.
Vài ngày sau báo cáo có ý kiến của kiểm toán, Kinh Đô đã đưa ra một báo cáo tài chính soát xét 6 tháng khác có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, báo cáo này không trích dẫn phần ý kiến kiểm toán.
Đơn vị: Tỷ đồng. |
Theo báo cáo mới này, lợi nhuận trước thuế của KDC được điều chỉnh lên hơn 28,6 tỷ đồng, cao hơn 1,4 tỷ so với báo cáo trước đó. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế của KDC cũng điều chỉnh tăng, từ lỗ gần 7 tỷ đồng về lỗ khoảng 5,4 tỷ đồng.
Các mục vốn chủ sở hữu và tổng tài sản cũng có những sự điều chỉnh. Cụ thể, vốn chủ sở hữu tăng 800 tỷ, từ 4.103,1 tỷ lên 4.103,9 tỷ đồng. Tổng tài sản giảm 30,51 tỷ, từ 5.541,1 tỷ về 5.510,6 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu tiên và duy nhất cơ quan kiểm toán có ý kiến không đồng tình với việc Công ty cổ phần Kinh Đô ghi nhận thương hiệu là tài sản cố định vô hình. Trong lần đầu Công ty cổ phần Kinh Đô công bố báo cáo tài chính vào 2005, cơ quan kiểm toán (lúc đó là Công ty Dịch vụ tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán AASC) chưa có ý kiến về vấn đề này. Sang kỳ soát xét báo cáo tài chính 2006, cơ quan kiểm toán mới của Kinh Đô là Ernst & Young bắt đầu đề cập và duy trì quan điểm trong suốt 6 năm qua.
Tuy nhiên suốt thời gian này, Công ty cổ phần Kinh Đô vẫn tiếp tục ghi nhận thương hiệu là tài sản cố định vô hình và khấu hao tài sản đó, đến cuối quý II còn lại hơn 25,83 tỷ đồng.
Theo Hàn Phi - Song Linh (VNE)