Kiên Giang đề nghị hướng dẫn 4 điều trong Bộ luật Hình sự để góp phần chống khai thác IUU

(PLO)- Tỉnh Kiên Giang kiến nghị sớm ban hành hướng dẫn áp dụng các Điều 347, 348, 349, 350 của Bộ luật Hình sự để xử lý hành vi môi giới đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tỉnh Kiên Giang là địa phương có số tàu cá nhiều nhất cả nước. Tính đến nay, tổng số tàu cá đăng ký của tỉnh này là 9.515 chiếc, trong đó, tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m là 4.277 chiếc, tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m là 1.540 chiếc và tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 3.698 chiếc.

Vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, với mục tiêu gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh cũng đã đồng loạt tổ chức mở các đợt cao điểm ra quân tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm khai thác IUU.

Thời gian qua, các lực lượng, các sở, ngành và các địa phương liên quan thường xuyên tổ chức đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và cấp phát tờ rơi, tờ bướm về chống khai thác IUU cho ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng. Ảnh: CHÂU ANH
Thời gian qua, các lực lượng, các sở, ngành và các địa phương liên quan thường xuyên tổ chức đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và cấp phát tờ rơi, tờ bướm về chống khai thác IUU cho ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng. Ảnh: CHÂU ANH

Địa phương cũng thành lập nhiều tổ điều tra, xác minh, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; tàu cá vi phạm phát hiện qua hệ thống giám sát hành trình. Các lực lượng Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Cụ thể, qua tuần tra, kiểm soát, Sở NN&PTNT tỉnh đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 31 vụ với tổng số tiền phạt là 473 triệu đồng. Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh điều tra xử lý 26 vụ với số tiền hơn 1,79 tỉ đồng, tịch thu 34 bộ kích điện, 650 m dây điện; tước ba chứng chỉ thuyền trưởng. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 28 vụ với tổng số tiền 387,3 triệu.

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với năm chủ tàu về 46 hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 5,9 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tình trạng tàu cá của Kiên Giang vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài dù từng bước được kéo giảm, nhưng vẫn còn diễn ra. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến nỗ lực gỡ cảnh báo thẻ vàng của tỉnh.

Thống kê trong bốn tháng đầu năm 2023, Kiên Giang có hai vụ với ba tàu 32 ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, trong đó, có một tàu với 13 ngư dân bị Malaysia bắt giữ.

Một vấn đề khác cũng đang tồn tại là còn nhiều chủ tàu, thuyền trưởng cố tình tháo thiết bị giám sát hành trình để nơi khác, nhằm che dấu và trốn tránh các lực lượng chức năng. Điển hình như vụ tàu cá KG-93524-TS chở 21 thiết bị của tàu khác hay vụ tàu KG-93032-TS, KG-91092-TS chở 13 thiết bị giám sát hành trình, đã bị Cảnh sát biển 4 xử lý.

Đề nghị hướng dẫn áp dụng 4 Điều trong Bộ Luật Hình sự

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, những hạn chế còn tồn tại là do một số chủ tàu, thuyền trưởng đã cố tình tắt tín hiệu thiết bị giám sát hành trình, tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình... để trốn tránh sự giám sát của lực lượng chức năng và đưa tàu đi khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài.

Còn nhiều tàu cá vượt ranh giới trên biển, vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản và bị bắt giữ, xử lý nhưng các lực lượng chức năng trên biển, đặc biệt là lực lượng vùng khơi không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm luôn được thực hiện, nhưng tàu cá vi phạm vẫn còn xảy ra. Ảnh: CHÂU ANH

Công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm luôn được thực hiện, nhưng tàu cá vi phạm vẫn còn xảy ra. Ảnh: CHÂU ANH

Mặt khác, công tác đấu tranh, phòng ngừa và xử lý vi phạm có lúc chưa quyết liệt, chưa thống nhất, chưa kiên quyết, chưa xử lý đến cùng. Công tác phối hợp liên ngành và địa phương tuần tra, kiểm tra kiểm soát về chống khai thác IUU đã thực hiện thường xuyên nhưng chưa quyết liệt. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về lĩnh vực thủy sản đến với người dân chưa sâu.

Để đạt mục tiêu gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU, thời gian tới, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thuỷ sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá và xóa đăng ký tàu cá theo quy định.

Cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các cơ quan và các địa phương tiến hành xác minh, xử lý các tàu cá không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình theo quy định và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Chủ trì, phối hợp với lực lượng Biên phòng kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại Cảng cá An Thới và Tắc Cậu theo đúng quy định đảm bảo thiết bị giám sát hành trình hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng. Đảm bảo đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật tàu cá, đăng ký tàu cá, an toàn thực phẩm tàu cá, giấy phép khai thác thuỷ sản, nhật ký khai thác thuỷ sản, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá... theo quy định” - UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở NN&PTNT.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức kiểm tra, kiểm soát tất cả tàu cá xuất, nhập bến tại Đồn Biên phòng, Trạm Biên phòng. Trong đó, kiểm tra chặt chẽ các thủ tục giấy tờ theo quy định, như: văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá... Phối hợp điều tra, xử lý các vụ việc tàu cá bị nước ngoài bắt giữ; xử lý và xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT chủ trì ký kết Quy chế phối hợp giữa 28 tỉnh, TP ven biển thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Đồng thời, tham mưu Chính phủ kiến nghị TAND tối cao nghiên cứu, sớm ban hành hướng dẫn áp dụng các Điều 347, 348, 349, 350 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) để khắc phục những bất cập, vướng mắc trong điều tra, xử lý hành vi môi giới đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài.

"Nếu không gỡ được Thẻ vàng mà bị lên Thẻ đỏ thì cá của mình không thể bán đi đâu được, ảnh hưởng đến cuộc sống của cả triệu, vài chục triệu người, rất khó khăn cho cả nước.

Tôi mong muốn các đồng chí và bà con còn thời gian khoảng ba tháng nữa để nỗ lực. Cố gắng phấn đấu từ nay đến đó không có tàu nào bị nước ngoài bắt nữa, các địa phương cùng cố gắng làm việc này thì khả năng gỡ được thẻ vàng".

Phó Thủ tướng TRẦN LƯU QUANG phát biểu tại buổi làm việc tỉnh Kiên Giang về công tác chống khai thác IUU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm