Như PLO đã đưa tin, Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới đây ban hành thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty CP Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P (gọi tắt là Công ty Thái Sơn) – nơi cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”, làm chủ tịch HĐQT.
Theo đó, TTCP chỉ ra hàng loạt dấu hiệu của Công ty Thái Sơn liên quan đến việc giả mạo hồ sơ, chuyển nhượng đấu thầu sai quy định, trốn thuế…
Đáng chú ý, TTCP cũng vạch ra rất nhiều vi phạm của Tổng Công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng trong việc góp vốn, chuyển nhượng và quản lý vốn chủ sở hữu tại Công ty Thái Sơn.
Cựu thượng tá Út "trọc" từng đại diện 21% vốn của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P. Ảnh: TUỔI TRẺ
Cụ thể, ngày 5-8-2009, Tổng Công ty Thái Sơn có quyết định về việc góp vốn đầu tư bằng nguồn vốn tự có tại Công ty Thái Sơn trị giá 10,2 tỉ đồng, tương đương 51% vốn điều lệ.
Ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, khi đó là phó tổng giám đốc) đại diện quản lý 21% và ông Cung Đình Minh (khi đó là tổng giám đốc) quản lý 30% vốn điều lệ của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn. Tuy nhiên, việc này không báo cáo và chưa có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Năm 2013, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P tăng vốn điều lệ lên 120 tỉ đồng. Thực tế, đến thời điểm thanh tra (tháng 6-2018), Tổng công ty Thái Sơn đã đăng ký góp vốn với tổng số tiền là 34,2 tỉ đồng, nhưng không thực góp. TTCP khẳng định việc làm này là vi phạm quy định Luật Doanh nghiệp năm 2005 về việc góp vốn điều lệ theo thời hạn đăng ký kinh doanh.
Tháng 11-2012, Tổng công ty Thái Sơn quyết định chuyển nhượng 31% cổ phần tại Công ty Thái Sơn cho cá nhân là bà Lê Thị Thảo trị giá 6,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng không có Biên bản họp Đại hội cổ đông, thực hiện thanh toán bằng tiền mặt, không đúng như thỏa thuận thanh toán bằng chuyển khoản, vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định số 222/2013.
Tiếp đó, đến tháng 10-2017, Tổng công ty Thái Sơn tiếp tục chuyển nhượng 20% cổ phần còn lại với giá trị 25,2 tỉ đồng, cũng được bán chỉ định (không thông qua đấu giá công khai) cho bà Lê Thị Thảo đang là cổ đông hiện hữu.
TTCP cho rằng việc này vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, nguy cơ thất thoát vốn của Nhà nước.
“Tổng công ty Thái Sơn chuyển nhượng, thanh toán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không đúng quy định, thiếu công khai, minh bạch; Tổng công ty Thái Sơn chưa làm đúng vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty Thái Sơn” – kết luận của TTCP nêu.
Từ những cơ sở trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp nhận hồ sơ để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định đối với các vi phạm trong việc góp, chuyển nhượng và quản lý vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn.
Cùng đó, Bộ Quốc phòng thực hiện và chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm được nêu; chấn chỉnh công tác quản lý vốn của Bộ tại các doanh nghiệp.
Tổng công ty Thái Sơn tiếp tục rà soát, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân thuộc thẩm quyền tại Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm; chấn chỉnh công tác quản lý vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và các đơn vị liên danh, liên kết có vốn góp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 1-11-2018, tòa phúc thẩm Tòa án quân sự Trung ương tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ 10 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ và hai năm tù về tội sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức (tổng hợp hình phạt chung là 12 năm tù). Ngoài ra, bị cáo Phùng Danh Thắm (cựu tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) bị phạt 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, tòa kiến nghị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của ông Cung Đình Minh (phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) trong vụ án này. |