Kiến nghị chuyển công viên Sài Gòn Safari thành KCN kỹ thuật cao

Tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với công tác quy hoạch trên địa bàn huyện Củ Chi từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành vào ngày 17-12, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi đã nêu lên nhiều bất cập vướng mắc trong quy hoạch khó thu hút đầu tư.

Huyện kiến nghị điều chỉnh quy hoạch Sài Gòn Safari

Cụ thể, ông Phong cho biết dự án Công viên Sài Gòn Safari có diện tích 456,8 ha đi qua địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, được cấp phép từ năm 2004 nhưng hơn 15 năm nay chưa thực hiện được dù UBND TP kêu gọi đầu tư.
Có một, hai nhà đầu tư đến nhưng đánh giá không hiệu quả lại rút đi hoặc đề nghị thực hiện kết hợp dự án sân golf nhưng TP không đồng ý. Dự án chậm thực hiện khiến người dân có đất đã đền bù hoặc chưa nhận đền bù rất bức xúc.
“Vì vậy, huyện Củ Chi kiến nghị TP chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy hoạch Sài Gòn Safari sang chức năng khu công nghiệp kỹ thuật cao để tạo điều kiện cho huyện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương” - ông Phong nói.

Ông Nguyễn Thanh Phong (đứng) Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi. Ảnh: QUANG HUY

Trao đổi về kiến nghị này, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội đoàn đại biểu TP.HCM, cho rằng huyện cần cân nhắc kỹ khi đề xuất. Bởi lẽ, nếu chuyển công năng sang KCN kỹ thuật cao thì chỉ mang lại lợi cho thành phố còn địa phương e rằng không được hưởng lợi nhiều.
Vì theo ông Nghĩa, dự án công viên Sài Gòn Safari mục đích nhằm phục vụ nhu cầu của người dân thành phố, thu hút du lịch, tạo điểm đến mới cho người dân thành phố ngoài các điểm quen thuộc.
Khi đó người dân địa phương mới có điều kiện kinh doanh buôn bán, dịch vụ phục vụ khách du lịch đến vui chơi.
“Mô hình Safari thực hiện rất thành công ở một số tỉnh thành khác và một số nước, chúng ta cần có chính sách để thu hút đầu tư” - ông Nghĩa nói.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ tại buổi làm việc với UBND huyện Củ Chi sáng 17-12. Ảnh: QUANG HUY

Rà soát lại diện tích đất rừng
Một kiến nghị đáng chú ý của huyện Củ Chi nhận được nhiều góp ý của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM là kiến nghị điều chỉnh quy hoạch đất rừng chuyên dụng trong đồ án điều chỉnh quy hoạch của huyện Củ Chi từ 2.250ha giảm còn 395ha cho phù hợp thực tế.
Phía lãnh đạo huyện cho biết diện tích rừng ở huyện chỉ là con số trên giấy tờ, thực tế diện tích rừng không còn nhiều, chủ yếu chỉ còn ở khu vực địa đạo Củ Chi. Còn hiện nay, phần lớn diện tích đất rừng này chủ yếu là vườn cây ăn trái, nhà ở của người dân.
Theo góp ý của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, về lâu dài, rừng rất đáng quý, bảo vệ rừng Củ Chi thì TP mới còn rừng. Rừng ở Củ Chi vẫn có thể khai thác để phát triển du lịch, để người dân cuối tuần có thể đi bộ, đạp xe đạp trong rừng trải nghiệm…
Trao đổi về kiến nghị trên, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng cho biết việc chuyển đổi quy hoạch đất rừng phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Hơn nữa số liệu diện tích đất rừng huyện kiến nghị điều chỉnh so với số liệu của các sở ngành chênh nhau.
Vì vậy, huyện Củ Chi cần phối hợp với các sở ngành rà soát, xem xét lại diện tích thực tế, việc điều chỉnh phải phù hợp với quy hoạch tổng thể của TP, đặc biệt phải phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia của Bộ NN&PTNT.

Ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY

Tổng hợp các ý kiến, ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, có các đề nghị huyện Củ Chi tiếp tục ra soát đề xuất điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn.
Huyện cần nghiên cứu đưa ra những đề xuất kiến nghị điều chỉnh sao cho phù hợp, đồng bộ với 10 đồ án quy hoạch ven sông Sài Gòn.
Bên cạnh đó, huyện cần có những đề xuất quy hoạch mạng lưới y tế, giáo dục, quản lý nhà ở công nhân, đô thị sinh thái phát triển du lịch thế mạnh của địa phương.
Thứ hai, huyện cần tập trung chất lượng các đồ án quy hoạch và lựa chọn đơn vị tư vấn, tiêu chí phải có tính dự báo, tính đồng bộ với quy hoạch TP, ngành và dựa trên tính đặc thù, tính khả thi.
Thứ ba, huyện phải tiếp tục phối hợp với các sở ngành, ban quản lý khu đô thị Tây Bắc, nên họp hàng quý để nắm bắt kịp thời vướng mắc, thực tế để tham mưu cho công tác quy hoạch của TP.
“Lãnh đạo huyện Củ Chỉ cần thành lập ban chỉ đạo liên quan công tác đầu tư để phát huy được những lợi ích từ các dự án đầu tư công đang triển khai trên địa bàn huyện. Ban chỉ đạo này sẽ xúc tiến mời gọi đầu tư vào Củ Chi, tiếp xúc, giới thiệu, thu hút, chính sách với nhà đầu tư” - ông Thắng góp ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới