Chiều 31-7, HĐND TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP về kiến nghị xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc hoạt động căn tin, bếp ăn, bãi giữ xe đối với các trường học trên địa bàn TP
Hoạt động căn tin, bếp ăn, bãi giữ xe là nhu cầu cấp thiết
Công văn gửi UBND TP do ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hoá - Xã hội, HĐND TP ký nêu rõ: Thời gian qua, báo chí đã đăng loạt bài viết phản ánh thực trạng về các đơn vị trường học tại quận 8, quận Bình Tân, quận Tân Phú phải tạm dừng hoạt động căn tin, bếp ăn, bãi giữ xe sau khi có kết luận của Thanh tra TP vì thực hiện chưa đúng quy định tại Nghị định số 151/2017 quy định chi tiết một số Điều của luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Cụ thể là chưa có đề án sử dụng tài sản công vào việc cho thuê, liên kết được Chủ tịch UBND TP phê duyệt.
“Việc tổ chức hoạt động căn tin, bãi giữ xe, bếp ăn là nhu cầu cấp thiết của học sinh để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo an ninh trật tự khu vực cổng trường. Tuy nhiên, đến nay nhiều trường không còn duy trì căn tin, bãi giữ xe, bếp ăn cho học sinh gây khó khăn cho nhà trường và xã hội” - Văn bản nêu rõ.
Từ đó, HĐND TP đề xuất cần có hướng tháo gỡ cho các trường trong việc phê duyệt đề án sử dụng tài sản công, để đảm bảo các hoạt động giáo dục trong trường được diễn ra ổn định, thuận lợi. Hơn nữa, việc phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công còn giúp không lãng phí tài sản công trong các trường công lập, giúp trường có thêm nguồn thu đầu tư cải cách giáo dục, có thêm nguồn phúc lợi cho đội ngũ và tăng thuế cho ngân sách Nhà nước.
Kiến nghị của Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND TP
Trước thực tế trên, Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND TP kiến nghị UBND TP 3 vấn đề:
Thứ nhất, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP kiến nghị UBND TP.HCM nghiên cứu, có ý kiến chỉ đạo Sở Tài chính và các sở, ngành, cơ quan có liên quan tìm giải pháp, tham mưu các biện pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của ngành GD&ĐT trong việc lập đề án sử dụng tài sản công vào việc cho thuê, liên kết để duy trì hoạt động bãi giữ xe, căn tin, bếp ăn và một số hoạt động phụ trợ khác trong các đơn vị trường học, nhằm phục vụ các nhu cầu thiết yếu của học sinh và giáo viên.
Theo Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP, nhằm kịp thời duy trì ổn định hoạt động giáo dục hiện nay, kiến nghị UBND TP.HCM có giải pháp cụ thể cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành GD&ĐT (bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở giáo dục công lập khác trên địa bàn thành phố).
Điều này giúp đảm bảo pháp lý về các hoạt động căn tin, bãi giữ xe, bếp ăn, hồ bơi, nhà thi đấu, sân thể thao, phòng học phục vụ cho nhu cầu học tập và rèn luyện của giáo viên và học sinh trong và ngoài giờ học từ năm học 2024- 2025, tránh lãng phí cơ sở vật chất . Đồng thời có kinh phí bảo dưỡng, duy tu thường xuyên cơ sở vật chất của trường, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của phụ huynh học sinh.
Thứ 3, kiến nghị UBND TP cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn. Cụ thể:
Bộ Tài chính có Công văn số 9757/BTC-QLCS ngày 26-9-2022 hướng dẫn sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công lập TP.HCM; theo hướng dẫn: "Trường hợp đơn vị sử dụng mặt bằng làm căn tin, bãi giữ xe để phục vụ hoạt động của đơn vị thì không thuộc trường hợp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định tại Điều 56, 57, 58 của luật Quản lý, sử dụng tài sản công và không phải lập đề án". Tuy nhiên thực tế, phần lớn các cơ sở giáo dục không có khả năng đứng ra tổ chức quản lý, vận hành hoạt động căn tin, bãi giữ xe, nên phải cho thuê mặt bằng để các đơn vị có chức năng tổ chức thực hiện, như vậy phải lập đề án cho thuê theo quy định.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 57 luật Quản lý, sử dụng tài sản công và khoản 3, khoản 4 Điều 46 Nghị định số 151/2017, đơn vị sự nghiệp công lập phải xác định giá cho thuê phù hợp với giá thực tế cho thuê trên thị trường và thực hiện đấu giá cho thuê tài sản (giá cho thuê được điều chỉnh tăng theo biến động của thị trường và không được thấp hơn giá trúng đấu giá). Do vậy, nếu căn cứ các quy định nêu trên thì mức giá cho thuê sẽ có giá trị cao ảnh hưởng nhiều đến mức chi trả của học sinh, sinh viên có tham gia các loại hình dịch vụ này.
Tiền thuê đất phải nộp = Giá đất tại bảng giá đất (x) hệ số điều chỉnh giá đất (x) tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất (x) tỷ lệ phần trăm (%) diện tích đất hoặc diện tích nhà, công trình xây dựng (sàn sử dụng) sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết (trích dẫn theo Công văn hướng dẫn số 70/CTTPHCM-QLĐ ngày 5.1.2022 của Cục thuế TP.HCM) nên giá cho thuê cao, không thực hiện được.
Hiện, một số đơn vị đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà đất hoặc các đơn vị còn vướng mắc về hồ sơ nhà đất (hiện chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất), như vậy chưa đủ điều kiện về hồ sơ theo quy định của Đề án.
Hiện chưa có quy định về định mức diện tích công trình sự nghiệp để làm căn cứ xác định tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất theo khoản 1 Điều 57 luật Quản lý, sử dụng tài sản công (tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng vào mục đích cho thuê).
Việc tổ chức đấu giá theo từng năm cho các hoạt động căn tin, bếp ăn, bãi giữ xe trong trường học gặp nhiều khó khăn về hồ sơ, thủ tục, thời gian; doanh nghiệp trúng đấu giá không dám đầu tư nhiều trong một năm vì có thể năm sau không trúng đấu giá và chưa đảm bảo theo quy định pháp luật hiện hành.
Trước đó, PLO có phản ánh tình trạng hàng loạt trường học tại TP phải dừng hoạt động căn tin, bãi giữ xe do chưa lập đề án theo Nghị định 151.