Ý kiến trên được cử tri xã Tứ Hiệp Nguyễn Thị Thắm nêu ra tại Hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Thanh Trì với Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, diễn ra chiều 30-9.
Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được xây dựng mới và hoàn thành năm vào 2002, dọc tuyến có 54 vị trí hầm chui dân sinh và 2 vị trí cầu vượt. Hiện tuyến đường có 6 làn xe, các hầm chui dân sinh được thiết kế nối dài theo quy mô mặt cắt ngang đường.
Theo bà Thắm, mỗi khi trời mưa, đặc biệt là trong những ngày vừa rồi, tại vị trí nút giao hầm chui Đồng Trì - xã Tứ Hiệp, lại xảy ra tình trạng ngập úng, xuất hiện nhiều hố, ổ gà, thể hiện sự xuống cấp. Trong khi đó, thời tiết nắng thì bụi bẩn do lắng đọng bùn đất, không bảo đảm trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Trên tuyến đường này thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, có nhiều vụ nghiêm trọng.
“Đây là con đường mà hàng ngày có rất nhiều học sinh đi qua nhưng không đảm bảo an toàn. Vấn đề này đã được phản ánh nhiều lần nhưng hiện vẫn chưa được khắc phục khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn”, bà Thắm cho biết.
Bên cạnh đó, cử tri Hà Văn Lâm nêu kiến nghị cần sớm giải quyết việc bàn giao các khu nhà tập thể cũ tồn tại từ thời bao cấp.
Ông Lâm cho biết nhiều căn nhà tập thể cũ trên địa bàn vẫn chưa được bàn giao về cho địa phương để quản lý và có phương án cải tạo, sửa chữa tổng thể, đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống.
“Nhiều căn hộ được gia chủ cơi nới, sửa chữa, có căn tổng diện tích vượt diện tích ban đầu. Do sử dụng đã lâu, không được sửa chữa, cải tạo tổng thể nên cả khu nhà đều xuống cấp và quá tải về mọi mặt”, ông Lâm nói.
Đại diện đoàn đại biểu, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho biết sẽ sớm chuyển thông tin về vấn đề liên quan đến hầm cầu chui tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đến Bộ Giao thông Vận tải.
Đồng thời, ghi nhận nguyện vọng của cử tri về việc bàn giao khu tập thể cũ thời bao cấp, ông Phạm Đức Ấn cho biết sẽ thông tin đến UBND TP. Hà Nội và Bộ Xây dựng để có giải pháp xử lý. Tuy nhiên, theo ông Ấn, đây là vấn đề rất phức tạp, có nhiều dự án còn thiếu chủ thể chuyển giao.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã thông tin tới cử tri huyện Thanh Trì về dự kiến nội dung làm việc tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 8 dự án luật; đồng thời xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
9 dự án luật sẽ xem xét thông qua là: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Căn cước công dân (sửa đổi), và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
2 dự thảo nghị quyết được xem xét thông qua là: Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
8 dự án luật được cho ý kiến gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.