Kiện vì lợi ích công, được không?

Bà là Nguyễn Thị Thanh, ngụ ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ). Bà vừa gửi đơn kiện đến TAND huyện Thới Lai yêu cầu tòa xử buộc chủ tịch UBND huyện này phải xử lý vi phạm hành chính đối với vợ chồng ông ĐVH về hành vi xây dựng công trình nhà ở lấn chiếm hành lang an toàn lộ giới. Chánh án TAND huyện Thới Lai cho biết tòa này đang xem xét và có thể trả lại đơn kiện vì người bị kiện không đúng chủ thể.

Bức xúc nên kiện

Theo trình bày trong đơn kiện của bà Thanh, ngày 16-6, hộ ông H. đã xây dựng nhà diện tích 88 m2 kết cấu móng cừ tràm, khung bê tông cốt thép, tường gạch lấn chiếm đất công. Ngoài ra, vợ chồng ông H. còn lấn chiếm diện tích đất thuộc hành lang an toàn lộ giới tỉnh lộ 922 trên 45 m2 bằng cách khiêng căn nhà cũ (nhà cây, lợp tôn, vách tôn) qua phần đất này. Sau đó bà Thanh yêu cầu UBND xã và UBND huyện Thới Lai xử lý vợ chồng ông H. về hành vi này.

Ngày 26-6, UBND xã Tân Thạnh cùng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện tổ chức giải quyết khiếu nại của bà Thanh. Đại diện hai cơ quan này giải thích với bà Thanh rằng: “Vợ chồng ông H. có đơn xin sửa chữa nhà diện tích ngang 8 m, dài 11 m và được UBND xã chấp thuận. Còn việc lấn chiếm đất thuộc hành lang an toàn lộ giới bằng cách khiêng căn nhà cũ qua phần đất này, vợ chồng ông H. có làm cam kết sau này sẽ tháo dỡ. Vì vậy, xã và huyện cho rằng không thể xử lý vợ chồng ông H. được”.

Kiện vì lợi ích công, được không? ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Thanh cho rằng nhà ông H. xây mới lấn chiếm hành lang an toàn lộ giới nhưng không bị phạt. Ảnh: GIA TUỆ

Theo bà Thanh, cách giải thích này không đúng như thực tế đã diễn ra và không đúng luật. Bởi căn nhà cũ của vợ chồng ông H. có diện tích khoảng 50 m2 là căn nhà khung gỗ và ngôi nhà này đã được khiêng qua phần đất kế bên (cũng thuộc hành lang an toàn lộ giới). Còn trên nền ngôi nhà cũ, vợ chồng ông H. đã đóng cừ tràm, đổ móng bê tông cốt thép, xây vách tường kiên cố để xây nhà mới hoàn toàn chứ không phải sửa chữa. Mặt khác, căn nhà cũ của vợ chồng ông H. có diện tích khoảng 45 m2 nhưng lại xin phép sửa chữa đến 88 m2, lấn chiếm hành lang an toàn lộ giới hơn 30 m2.

Kiện được không?

Vấn đề đặt ra là bà Thanh có quyền khởi kiện hành chính trong vụ này không?

Luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho rằng bà Thanh kiện ai và ở tòa nào phụ thuộc vào hình thức và mức độ xử phạt đối với vợ chồng ông H. Theo quy định, hành vi xây dựng công trình kiên cố trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ bị phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng (kèm buộc người vi phạm trả lại nguyên trạng). Theo Điều 48 Nghị định 34 năm 2010 thì chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tiền đến 30 triệu đồng, chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phạt đến 40 triệu đồng. Như vậy, nếu phạt 30 triệu đồng thì thẩm quyền xử phạt thuộc chủ tịch UBND huyện, khi đó người bị kiện là chủ tịch huyện (và tòa cấp huyện thụ lý). Nếu phạt đến 40 triệu đồng thì thẩm quyền thuộc chủ tịch UBND cấp tỉnh, khi đó người bị kiện là chủ tịch UBND TP Cần Thơ và TAND TP Cần Thơ sẽ giải quyết.

Ngược lại, luật sư Trần Vũ Thanh Toàn (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) thì cho rằng bà Thanh không có quyền khởi kiện mà chỉ có thể tố giác hoặc tố cáo nếu cán bộ bao che, dung túng hành vi trái pháp luật. Bởi luật chỉ quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình… (Điều 5 Luật Tố tụng hành chính). “Luật này chưa mở rộng quyền cho công dân khởi kiện vụ án hành chính liên quan đến việc xâm phạm trật tự công” - luật sư Toàn nói.

Được quyền kiện nếu…

Khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính quy định hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định pháp luật. Khoản 1 Điều 103 luật này xác định quyền khởi kiện như sau: Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó, hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà vẫn không được giải quyết, hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý...

Để xác định bà Thanh có quyền khởi kiện hay không thì cần phải xác định công việc của người có thẩm quyền sau khi nhận được khiếu nại, tố cáo đã có động thái thế nào. Thứ nhất, nếu họ đã tiến hành xác minh khiếu nại và xác định không hợp lý nên không xử phạt thì rõ ràng bà Thanh không thể khởi kiện họ (vì họ đã thực hiện hành vi hành chính trong phạm vi công quyền). Thứ hai, nếu có việc vi phạm lấn chiếm như dân tố cáo mà người có thẩm quyền không làm gì, không có biện pháp và không thực hiện công vụ theo thẩm quyền thì hành vi (không hành động) không thực hiện hành vi công vụ là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính. Và nếu vậy, việc khởi kiện cần phải được hoan nghênh nhằm thúc đẩy cơ quan hành pháp thực hiện việc quản lý theo luật định, tránh sự chây ì, vô cảm đối với nỗi lo của người dân.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, chuyên gia án hành chính, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

HOÀNG YẾN ghi

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm